Ngày 20/9, Uỷ ban Thường vụ cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với quan điểm không mở rộng diện tích sử dụng đất bệnh viện hiện có, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.
Ông Bùi Văn Cường cũng nhất trí với việc di dời các cơ sở trên không phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô ra khỏi các quận nội thành.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, chủ trương trên là rất đúng, đã được đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây và Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội và các đơn vị liên quan cần phải triển khai sớm và triển khai quyết liệt chính sách này.
Đáng lưu ý, theo ông Cường, thực tế phát triển Thủ đô thời gian vừa qua, nhất là sau khi sự kiện đau lòng - cháy nhà riêng lẻ (người dân vốn gọi là chung cư mini-PV) ở khu Khương Hạ, quận Thanh Xuân; cùng với việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini, cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội khó kiểm soát ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành năm 2012.
Theo ông Cường, đó là hệ luỵ của việc tập trung dân cư quá đông trong nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm.
Ngoài ra, còn do vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, giáo dục đại học, cao đẳng, trụ sở các cơ quan đơn vị thuộc thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức của Trung ương và của thành phố được đặt ra từ rất lâu nhưng công tác triển khai rất chậm chạp.
Từ phân tích trên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đi kèm với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, các đơn vị liên quan cần ra quy định chi tiết về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở trên.
Liên quan đến vấn đề nhà ở, trình bày tờ trình trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo Điều 28, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy định các hình thức hỗ trợ an sinh xã hội cho nhiều đối tượng như hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng chính sách của thành phố Hà Nội.