Tổng Thư ký Quốc hội: Luật an ninh mạng sẽ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân

Hoàng Đan |

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, ý kiến cho rằng Luật an ninh mạng được thông qua ảnh hưởng tới quyền tự do của người dân, kinh doanh của doanh nghiệp là không đúng.

Luật an ninh mạng sẽ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân

Chiều 15/5, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14.

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và các thành viên Ủy ban của Quốc hội đã trao đổi, trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên.

Cụ thể, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc hai Dự Luật là An ninh mạng và Luật Đặc khu đều có nhiều ý kiến phản ứng, nhưng tại sao một Luật được Quốc hội thông qua, còn một Luật lại lùi thời gian thông qua để tiếp tục lắng nghe ý kiến.

Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về Luật An ninh mạng sau khi các đại biểu Quốc hội có ý kiến, phản hồi của các chuyên gia, ý kiến của cử tri đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu rất nhiều nội dung.

Sau khi đã lắng nghe, chỉnh lý, Luật đưa ra Quốc hội để thông qua đương nhiên kết quả cao (86,86% -PV).

"Cái chính chúng ta làm truyền thông thế nào để cử tri và nhân dân hiểu. Có ý kiến nêu ra Luật này được thông qua ảnh hưởng tới quyền tự do của người dân, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghĩ như vậy không đúng, khi Luật ra đời sẽ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân", ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Còn Dự án Luật Đặc khu rộng hơn, liên quan đến nhiều vấn đề nên cần có thời gian để trao đổi, tiếp thu thêm.

Theo ông Phúc, với Dự Luật này, Thường vụ Quốc hội cũng tổ chức nhiều hội nghị xin ý kiến, đi tìm hiểu và học tập ở các đặc khu của nước ngoài, nhưng qua trao đổi, ĐBQH và các chuyên gia, nhà khoa học cũng tham gia ý kiến và còn nhiều ý kiến khác nhau.

Bên cạnh đó, còn những điều khoản chưa phù hợp, ví dụ như cho thuê đất 99 năm, giờ điều chỉnh, quy định như Luật đất đai, hay các chính sách về thuế cũng sẽ được rà soát cho phù hợp.

Chỉ lưu trữ dữ liệu của người dùng, công dân Việt Nam tại Việt Nam

Liên quan đến Luật An ninh mạng vừa được thông qua, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết, trong quá trình thẩm tra và giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý luật an ninh mạng, Uỷ ban đã hết sức lắng nghe ý kiến của cử tri, chuyên gia.

Tổng Thư ký Quốc hội: Luật an ninh mạng sẽ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Hồng

Đặc biệt, Ủy ban rất chú đến ý kiến của đại diện một số quốc gia Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu và các Hiệp hội Viễn thông Internet châu Á Thái Bình Dương, ý kiến của truyền thông trong và ngoài nước.

"Chính vì thế nhiều vấn đề dự án Luật mà Chính phủ trình sang đã được chỉnh lý làm sao đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng, không chỉ với riêng Việt Nam.

Sự kiện Facebook sử dụng dữ liệu người dùng cung cấp cho doanh nghiệp can thiệp vào vấn đề nội bộ quốc gia, đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của các quốc gia trên thế giới, vấn đề thách thức toàn cầu", ông Hồng nói.

Ông Hồng khẳng định, việc thông qua Luật không ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông. Bởi, đây là tạo ra cơ chế pháp lý bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, kể cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

"Nhiều phóng viên đặt ra câu hỏi, Google Facebook, có rời bỏ Việt Nam không. Tôi khẳng định, đến giờ này thông tin chính thức, hai tập đoàn công nghệ lớn chưa có phản hồi chính thức nào xung quanh việc tham gia ý kiến xây dựng Luật An ninh mạng.

Chúng tôi cũng phấn khởi sau khi Luật thông qua, nội dung dự án luật đã được truyền thông rộng rãi, sự đồng thuận rất cao trong nhận thức của nhân dân với việc ban hành Luật này.

Tôi thiết tha đề nghị trên các diễn đàn, cộng đồng mạng phản hồi thông tin chính thức để tạo ra đồng thuận lớn nhất", ông Hồng nêu.

Xung quanh vấn đề đặt máy chủ tại Việt nam và lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, ông Hồng cho rằng, đây là 2 vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa nhiều quốc gia trên thế giới.

"Trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng - An ninh và số liệu chính thức mà Chính phủ cung cấp thì hiện nay có 18 quốc gia đã yêu cầu các nhà cung cấp dịnh vụ mạng, nhất là mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó.

Ví dụ tháng 5 vừa rồi, Liên minh Châu Âu yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại các nước của họ. Đây là yêu cầu cần thiết, vừa bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được Hiến pháp quy định.

Tôi nhấn mạnh, trong Luật thông qua lần này chỉ lưu trữ dữ liệu của người dùng, công dân Việt Nam tại Việt Nam.

Đây chủ yếu là thông tin cá nhân người dùng mà theo quy định của Hiến pháp là quyền nhân thân được pháp luật bảo hộ, xem như là tài sản của công dân VN.

Các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các doanh nghiệp khác khi cung cấp dịch vụ có trách nhiệm phải bảo vệ bí mật người dùng tại VN", ông Hồng nhấn mạnh.

Phóng viên BBC đã nêu ý kiến đề nghị có nên công bố tất cả danh tính đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua Luật an ninh mạng không?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, Quốc hội thực hiện biểu quyết không công bố danh tính, công khai kết quả.

Hiện nay thế giới có khoảng ¼ công bố danh tính, ¾ không công bố danh tính. Vừa qua, tôi tham gia vào hiệp hội Tổng thư ký thế giới, tôi có hỏi thì họ nói tổng số 283 nghị viện thế giới chỉ có 70 nghị viện nghị quyết có danh, còn lại không có danh. Hình thức nào cũng có tích cực và không tích cực.

"Tại kỳ họp , đại biểu Dương Trung Quốc cũng đề nghị có thêm hình thức có danh, trong quá trình sửa nội quy họp đại biểu QH vẫn đề nghị thực hiện như bây giờ, luật pháp quy định thì chúng ta phải thực hiện như vậy", ông Phúc nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại