Tổng Thư ký Quốc hội giải thích vì sao không chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và vấn đề BOT

Hoàng Đan |

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và Quốc hội đã có Nghị quyết về Y tế nên cần dành thời gian cho ngành tổ chức thực hiện.

Sáng 9/11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ ngày 16,17,18/11, Quốc hội sẽ dành thời gian chất vấn các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đoàn ĐBQH và thông qua 2,5 ngày các đại biểu thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội trên Hội trường, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thông báo đến ĐBQH bốn nhóm vấn đề chất vấn.

Trách nhiệm trả lời chính sẽ là Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Thông tin truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chánh án TAND Tối cao. Ngoài ra, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ sẽ tham gia trả lời, làm rõ thêm. 

Trong buổi cuối, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn, làm rõ các vấn đề.

Sau khi Tổng thư ký Quốc hội trao đổi, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc, theo thông tin, trong các ý kiến của đoàn ĐBQH gửi về, có nhiều ý kiến đề nghị chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế nhưng tại sao Ủy ban TVQH không đưa vào?

Trả lời câu hỏi này, ông Phúc cho hay, trong quá trình xin ý kiến về các nhóm vấn đề theo ý kiến của 59 đoàn gửi về, cơ bản tập trung vào các nhóm trên là chính nhưng cũng có có một số đoàn đề nghị trao đổi thêm về vấn đề liên quan đến Bộ Y tế.

Nhưng theo tiêu chí thì Bộ trưởng Bộ Y tế vừa trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và Quốc hội đã có Nghị quyết về chất vấn, trong đó có Nghị quyết về Y tế với các vấn đề khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, phòng chống dịch bệnh, quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc chữa bệnh, tái cơ cấu ngành...

"Ở đây, đã có những vấn đề được đại biểu chất vấn, Quốc hội cũng có Nghị quyết về vấn đề Y tế và hiện nay, Bộ trưởng đang triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, vì thế, chúng ta phải dành thời gian cho ngành tổ chức thực hiện.

Tính từ thời điểm Bộ trưởng Y tế trả lời đến nay chưa đầy một năm mà bắt giải quyết ngay trong khi nhiều ngành khác cũng bức xúc lắm nên có những vấn đề phải chất vấn.

Tuy nhiên, cần phải nói, trong quá trình chất vấn thì các thành viên Chính phủ khác cũng có thể làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu ra chứ không phải không có Bộ trưởng Bộ Y tế mà không hỏi đến.

Ví dụ, trong quá trình Thủ tướng trả lời chất vấn đề có thể yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ thêm", Tổng thư ký Quốc hội nói.

Còn với vấn đề BOT, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy ban Thường vụ QH đã tổ chức đoàn giám sát chuyên đề và có Nghị quyết về vấn đề này. Hiện Bộ GTVT đang triển khai thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội.

"Tuy Bộ trưởng Giao thông vận tải mới được Quốc hội phê chuẩn trước cũng là Thứ trưởng của Bộ nhưng đã có thời gian 3 năm được luân chuyển về cơ sở nên có nhiều vấn đề mới cần phải dành thời gian để tìm hiểu công việc. Do đó, lĩnh vực này sẽ để chuyển sang thời điểm khác", Tổng Thư ký QH nêu.

Một phóng viên cho rằng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4 vừa qua, với nội dung tập trung như trong lần chất vấn này. Vậy tại sao lại tiếp tục chọn nhóm vấn đề này để chất vấn?

Trao đổi lại, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong quá trình chất vấn với các nhóm vấn đề cần lồng ghép về kinh tế, xã hội, tư pháp.

"Trong trình ra xin ý kiến ĐBQH thì có nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Thông tin truyền thông và Lao động, Thương binh, Xã hội đều nhận được nội dung quan tâm và đều đã trả lời tại các phiên họp của Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, sau khi xin ý kiến thì thấy chúng ta mới giám sát đối với lĩnh vực Thông tin - Truyền thông ở Thường vụ Quốc hội thôi chứ nhiều đại biểu chưa có điều kiện chất vấn được, vì thế, cần thiết phải mời Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông ra trả lời", ông Phúc nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại