Tổng thư ký NATO lên án trưng cầu dân ý ở Donbass, tuyên bố tăng cường viện trợ Ukraine

Thu Hằng |

Người đứng đầu khối quân sự do Mỹ đứng đầu lên án các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn khu vực thuộc Ukraine, cho rằng tăng cường sức mạnh cho Kiev là cách duy nhất để giải quyết xung đột.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP

Theo đài RT (Nga), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên án các cuộc trưng cầu dân ýDonbass và hai khu vực miền đông Ukraine, đồng thời cam kết tăng cường viện trợ cho Kiev.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, các cuộc trưng cầu dân ý đã bắt đầu tại bốn khu vực của Ukraine bao gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson.

Ông Stoltenberg khẳng định rằng Nga sẽ sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý “giả” để leo thang chiến tranh hơn nữa, "tuyên bố rằng chúng sẽ không có tính hợp pháp và tất nhiên họ không thay đổi được bất cứ điều gì."

"Câu trả lời của chúng tôi, câu trả lời của NATO, là tăng cường hỗ trợ", ông nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn vào 23/9 (theo giờ địa phương). Lãnh đạo NATO nói thêm: "Cách tốt nhất để kết thúc cuộc chiến này là tăng cường sức mạnh cho người Ukraine trên chiến trường hơn nữa để họ có thể, vào một thời điểm nào đó, ngồi xuống và đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được đối với Ukraine và bảo tồn Ukraine như một quốc gia độc lập, có chủ quyền ở châu Âu”.

Mặc dù kết quả chính xác của cuộc trưng cầu dân ý vẫn chưa được công bố, nhưng Moskva đã tuyên bố rằng nếu các khu vực nói trên bỏ phiếu gia nhập Liên bang Nga, họ sẽ coi những cuộc tấn công vào những khu vực đó là các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga và đáp trả tương ứng. Ngoài ra, các cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sau một thông báo rằng Nga sẽ huy động 300.000 quân dự bị, và một phần trong đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, sẽ giúp kiểm soát đường ranh giới dài 1.000 km giữa các lực lượng Ukraine và vùng lãnh thổ do Nga nắm giữ.

Các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu để chính thức công nhận các nước cộng hòa Donbass là các quốc gia độc lập vào đầu năm nay, trong khi các khu vực lân cận Kherson và Zaporozhye đã bị lực lượng Nga kiểm soát trong thời kỳ đầu cuộc xung đột.

Một số nhà lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng phản đối các cuộc bỏ phiếu sắp tới. Thủ tướng Đức Olaf Scholz coi đây là "cuộc trưng cầu dân ý giả tạo", "không thể được chấp nhận." Trong khi đó, Washington cho biết họ sẽ "không bao giờ công nhận tuyên bố chủ quyền của Nga đối với bất kỳ phần lãnh thổ nào của Ukraine được sáp nhập có chủ đích", bao gồm cả Crimea.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại