Tổng thống Biden thăm Kiev hôm 20/2. Ảnh: AP
“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tuyên truyền của phương Tây nhằm vào Nga. Đó là một nỗ lực để chặn chương trình nghị sự”, ông Andrey Bystritsky, Chủ tịch Quỹ Phát triển và Hỗ trợ của Câu lạc bộ Valdai nói với Tass.
Trước đó ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Kiev trong một chuyến thăm bất ngờ và hứa hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ tới Ukraine kể từ khi ông đắc cử tổng thống.
Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, ông hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu về triển vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển và Phần Lan.
Theo chuyên gia, bằng cách này, giới lãnh đạo Mỹ đang cố gắng lôi kéo công chúng trong nước trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm sau.
"Cuộc bầu cử đang đến gần. Trong khi đó, ông Biden chưa tạo được dấu ấn đáng kể nào. Thành công ở Ukraine sẽ mang lại cho đảng Dân chủ lợi thế cạnh tranh rất lớn trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo", ông Bystritsky nói.
“Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiệm vụ của Ngoại trưởng Blinken là xoa dịu sự phản đối của Ankara đối với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông ấy đến để chứng minh rằng Mỹ đang ở vị trí chỉ huy. Sau trận động đất, Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ linh hoạt hơn."
Tuy nhiên, ông Bystritsky nhấn mạnh rằng các chuyến thăm do lãnh đạo Mỹ dàn xếp "sẽ không thay đổi bất cứ điều gì trên thực địa”.
Theo kế hoạch, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội trong ngày 21/2 .
Là sự kiện truyền thống, nhưng bài phát biểu năm nay của ông Putin thu hút sự chú ý đặc biệt khi diễn ra đúng thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine sắp bước sang năm thứ hai.