Các nhà đầu tư và giới kinh doanh trên khắp thế giới đang hy vọng vào một kết quả khả quan sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina vào ngày 1/12. Đạt được thỏa thuận thương mại sẽ giúp những xung đột thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ nhiệt, ngăn chặn những rủi ro với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019.
Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông đã nhiều lần lập luận rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng là thành quả của việc Washington đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ đã áp thuế với lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa đánh thuế toàn bộ hàng hóa nhập khẩu nếu hai nhà lãnh đạo không tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, đây có lẽ không phải trở ngại lớn nhất với ông Tập trước cuộc gặp với ông Trump. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tới dự hội nghị thượng đỉnh G20 với ít đồng minh hơn so với những gì ông Tập mong đợi. Trong khi đó, các đồng minh của ông Trump lại khá đông đảo khi một liên minh được hình thành để đối đầu với Trung Quốc vì những chính sách của nước này.
Ông Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tổng thống Trump, hôm 27/11 nhấn mạnh những thỏa thuận gần đây giữa Mỹ với EU và Nhật Bản nhằm hợp tác các vấn đề thương mại có liên quan tới Trung Quốc. Tuy nhiên, mối liên hệ của liên minh này khá mong manh.
Giới chức Nhật Bản và châu Âu cho rằng bất cứ sự hợp tác nào mà họ có với Washington về Trung Quốc cũng có thể sụp đổ nếu Mỹ tiến hành các kế hoạch khiêu khích về thuế quan khiến các công ty của EU và Nhật Bản gặp khó khăn. Hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng từ tỏ ra tức giận khi ông Trump từ chối miễn thuế thép nhập khẩu cho họ hồi đầu năm.
Các quan chức châu Âu cũng nhấn mạnh một sự hợp tác với chính quyền của ông Trump vẫn có nhiều thách thức bởi sự bốc đồng và không thể đoán trước của ngài tổng thống. Ví dụ, trong tuần trước, ông Trump liên hệ các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Paris, Pháp với những phàn nàn kéo dài của ông về thặng dư thương mại giữa EU với Mỹ, một cách ví von khiến nhiều người bất ngờ và không hài lòng.
Tổng thống Trump đã làm mọi thứ có thể để chọc giận các đồng minh và "không cô lập Trung Quốc trong khi Bắc Kinh dường như có mọi quân bài trong tay". Tuy nhiên, điều gì đó, tinh tế và bất ngờ, đang tạo ra những thay đổi, Eswar Prasad, chuyên gia về thương mại và Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Cornell, cho hay.
Theo Prasad, sự thay đổi được nhìn thấy tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC vừa diễn ra ở Papua New Guinea, nơi Trung Quốc cho thấy họ bị cô lập về thương mại nhiều hơn so với Mỹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc chia sẻ những quan ngại bởi họ ngày càng thấy nhiều sự ràng buộc từ chính quyền, khiến việc đầu tư trở nên khó khăn hơn.
Peter Chase, cựu nhà ngoại giao Mỹ hiện đang làm việc tại Quỹ Marshall của Đức có trụ sở ở Brussels, Bỉ, nhận định: "Các doanh nghiệ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều chia sẻ chung một mối quan ngại. Tất cả họ đều băn khoăn về việc họ cần làm".
Hiện tại, cả EU, Mỹ và Nhật Bản đều đang hợp tác để soạn thảo các quy định mới nhằm giúp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được trang bị tốt hơn để đối phó với các trợ cấp và chính sách công nghiệp của Trung Quốc, trong đó buộc các doanh nghiệp phải chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền hoạt động. Các đồng minh lâu năm khác của Mỹ như Australia cũng đang đưa ra các biện pháp giám sát mới với các khoản đầu tư và cho vay từ Trung Quốc.
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom hôm 27/11 kêu gọi tiến hành các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Mỹ trong việc cải cách WTO. Giống như phần còn lại của thế giới, bà Malmstrom cho biết cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập chính là trọng tâm theo dõi tại G20 năm nay.
"Cả thế giới đang nhìn vào cuộc họp với kỳ vọng lớn, dù nó có thể không giải quyết được tất cả những tranh chấp và bất đồng giữa hai nền kinh kinh tế. Tuy nhiên, ít nhất nó cũng có thể mang đến sự hạ nhiệt", bà Malmstrom nói.