“Thượng đỉnh Trump - Kim”, “Thượng đỉnh Trump - Putin” là những cụm từ ngắn gọn nhưng phản ánh thực chất nhất, đồng thời cũng là mong muốn của cộng đồng quốc tế về mức độ cải thiện trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và Triều Tiên, Nga và Mỹ trong bối cảnh hiện nay.
Thế nhưng, chứng kiến loạt sự kiện vừa diễn ra, với từ khóa “trừng phạt” mà Mỹ áp dụng cho cả Nga và Triều Tiên, giới phân tích băn khoăn không rõ liệu Ngài Trump đang định chơi bản nhạc gì với Moscow và Bình Nhưỡng?
Bóng đang ở bên sân Ngài Trump!
“Giờ bóng đã ở bên sân của Ngài!”. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố như vậy với người đồng cấp, Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong buổi họp báo chung sau cuộc họp thượng đỉnh Nga - Mỹ đầu tiên tại Dinh Tổng thống Phần Lan ở Thủ đô Helsinki hôm 16/7 vừa qua.
Trước đó, ông Trump đã vui vẻ đón nhận món quà đặc biệt từ nhà lãnh đạo Nga - nước chủ nhà World Cup 2018, rồi ném về phía Đệ nhất phu nhân Melania Trump, cho biết sẽ tặng lại món quà này cho con trai út Baron Trump.
Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời làm nức lòng cộng đồng quốc tế xảy ra cách đây mới chỉ hơn 5 tháng. Khi ấy, tại buổi họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Putin nhấn mạnh “Chiến tranh Lạnh đã trở thành ký ức”; còn Tổng thống Trump thì cho biết cuộc họp giữa ông và người đồng cấp Nga “là một khởi đầu rất tốt đẹp cho tất cả mọi người”.
Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định “chắc chắn” rằng hai nhà lãnh đạo “sẽ còn gặp nhau trong tương lai, và thường xuyên”.
Trước đó, vào ngày 12/6, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore, sau hàng loạt động thái khiến thế giới chóng mặt. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng trở thành tâm điểm trên trang nhất của mọi tờ báo suốt thời gian trước và sau cuộc gặp.
Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên trong lịch sử, hai nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố chung, gồm 4 “trụ cột” chính nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời nhấn mạnh, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã diễn ra tốt hơn tất cả những gì người ta từng đoán.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói ngay sau bình luận của ông Trump rằng, ông muốn tỏ lòng biết ơn đến Tổng thống Trump vì đã khiến nó thành hiện thực. Còn Tổng thống Trump cho biết ông rất hạnh phúc; đồng thời đánh giá văn kiện mà ông ký với người đồng cấp Kim Jong-un là “toàn diện”.
Điều đáng chú ý sau khi ký kết Tuyên bố chung, truyền thông thế giới còn chứng kiến khoảnh khắc Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim trở lại chiếc bục lịch sử, nơi họ có cái bắt tay đầu tiên. Báo chí quốc tế mô tả, đứng trước dãy cờ Mỹ đan xen cờ Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo bắt tay từ biệt; đặc biệt, hai ông đã trực tiếp nói lời chia tay mà không cần phiên dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều hôm 12/6 tổ chức ở Singapore
“Trừng phạt” và “lạnh nhạt”
Vậy nhưng, sau tất cả những động thái được cho là có tác động tích cực đến việc phá băng quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Triều Tiên, Washington đã nhanh chóng “giáng đòn” xuống cả Moscow và Bình Nhưỡng.
Cụ thể với Moscow, vào ngày 8/8, tức là chưa đầy một tháng sau cuộc gặp thưởng đỉnh Trump - Kim tại Phần Lan, Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới với Nga, với tuyên bố chính quyền Tổng thống Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng chất độc thần kinh nhằm vào cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Anh hồi tháng 3/2018.
Tiếp đó, ngày 21/8, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài Mỹ (OFAC) cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào 2 cá nhân, 3 công ty và 6 tàu mang cờ Nga. Đây là những đối tượng bị Mỹ nghi ngờ có liên quan tới các lệnh trừng phạt Triều Tiên và các hoạt động trên không gian mạng của Nga. Ngoài ra một công ty của Slovakia cũng nằm trong danh sách trừng phạt lần này của Mỹ.
Chưa hết, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 24/8 thậm chí còn tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì cho tới khi Nga thay đổi cách hành xử của mình!
Còn với Bình Nhưỡng, ngày 10/12, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã áp đặt biện pháp trừng phạt đối với 3 quan chức Triều Tiên về các vi phạm quyền con người, trong đó có Choe Ryong Hae, Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, người được xem là "cánh tay phải" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Phản ứng trước hành động của Washington, ngày 16/12, Bình Nhưỡng cảnh báo quan hệ hai bên có thể trở lại trạng thái đối đầu và tiến trình giải giáp trên Bán đảo Triều Tiên có thể bị ngưng trệ vĩnh viễn.
Một mặt bày tỏ tin tưởng vào "thiện chí" của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên, song Bình Nhưỡng cũng cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ đang có xu hướng đưa quan hệ Triều - Mỹ trở lại tình trạng đối đầu như năm 2017.
Trong khi đó, với Moscow, hôm 29/11, Tổng thống Trump bất ngờ quyết định hủy cuộc gặp Tổng thống Putin vốn đã được ấn định diễn ra bên lề Hội nghị G20, do bất đồng liên quan đến cuộc đụng độ giữa Nga và Ukraine trên Eo biển Kerch.
Và ngay tại thời điểm diễn ra Hội nghị G20, truyền thông thế giới đã ghi nhận thái độ được cho là “lạnh nhạt” giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, khi không hề có một cái bắt tay hay một cử chỉ, một ánh nhìn nào thể hiện bước tiến tích cực trong quan hệ hai nước, như mong đợi, từ sau Thượng đỉnh Trump - Putin.
Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ "ngoảnh mặt làm ngơ" hội nghị G20 .
Ngài Trump “không vội”?
Chứng kiến loạt diễn biến xảy ra trên chính trường thế giới trong năm 2018, với trọng tâm là nước Mỹ, giới phân tích băn khoăn không rõ liệu ông Trump đang định chơi bản nhạc gì với Nga và Triều Tiên?
Trước tiên, xin nói về việc dường như hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã “lướt qua nhau” tại G20 tại Argentina vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau đó đã xác nhận trong bữa tối Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông và người đồng cấp Mỹ Donald Trump “thực sự có nói chuyện”.
Tại đây, Tổng thống Putin đã giải thích với người đồng cấp Mỹ về lập trường của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa cho những cuộc đối thoại “thích hợp”. Còn trước đó, khi đưa ra lý do “hủy hẹn”, ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ: “Tôi mong chờ một cuộc gặp thượng đỉnh có ý nghĩa ngay sau khi tình hình này được giải quyết”.
Còn với Bình Nhưỡng, bất chấp các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đang lâm vào bế tắc, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/12 đã lên tiếng khẳng định, Washington “không vội” đàm phán với Bình Nhưỡng.
Trên trang cá nhân mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Nhiều người đã hỏi rằng các cuộc đàm phán giữa chúng tôi và Triều Tiên đang diễn ra như thế nào. Tôi luôn trả lời rằng chúng tôi không vội”. Người đứng đầu nước Mỹ thậm chí còn khẳng định, Mỹ “đang làm tốt mọi việc”!
“Có ý kiến cho rằng, Tổng thống Trump dường như đang “kéo căng dây đàn” trong quan hệ với Nga và Triều Tiên, tuy nhiên cá nhân tôi đánh giá đây là “thủ pháp ngoại giao” hợp lý trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn xuất thân là một nhà tài phiệt, một “ông trùm truyền thông”, nên tôi cho rằng, ông không dễ gì từ bỏ những kết quả mà ông có được từ hai cuộc gặp thượng đỉnh mang ý nghĩa lịch sử với hai nhà lãnh đạo Nga (16/7/2018 tại Phần Lan) và Triều Tiên (ngày 12/6/2018, tại Singapore).
Đó là phán đoán của tôi, còn tất nhiên, ván cờ chính trị quốc tế luôn tiềm ẩn những bất ngờ khó đoán. Việc chúng ta nên làm là chờ đợi!”, một học giả nghiên cứu quốc tế bình luận.