Tổng thống Trump có quyền buộc công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc?

Song Hy |

Tổng thống Trump tuyên bố ông có quyền tuyệt đối để ra lệnh cho các công ty Mỹ ngừng kinh doanh ở Trung Quốc theo đạo luật IEEPA 1977.

Hôm 23/8, Trung Quốc tuyên bố áp thuế trả đũa với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, động thái kích hoạt leo thang căng thẳng mới trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Đáp trả, Tổng thống Trump lập tức tuyên bố tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, nhà lãnh đạo Mỹ còn khẳng định trên Twitter: "Các công ty lớn của Mỹ từ lúc này được lệnh ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm thị trường thay thế Trung Quốc, trong đó có việc đưa công ty của các bạn VỀ NHÀ và sản xuất sản phẩm ở Mỹ”.

Khi rời Nhà Trắng để tới Pháp họp thượng đỉnh G-7, nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng: "Tôi có quyền tuyệt đối để làm điều đó, chúng ta sẽ thấy nó diễn ra thế nào".

Ông sau đó giải thích rằng bản thân đang đề cập tới Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) 1977.

Không lâu sau đó, trên Twitter, ông nhấn mạnh rằng: "Đối với các phóng viên chuyên đưa tin giả mà không biết gì về luật pháp liên quan tới quyền lực của Tổng thống, Trung Quốc... cố mà tìm trong Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp 1977".

Những bình luận mới nhất của Trump làm dấy lên câu hỏi liệu chính quyền ông sẵn lòng đi bao xa với IEEPA.

Theo các chuyên gia về luật, về lý thuyết ông Trump không có quyền ra lệnh cho các công ty rời Mỹ. Nhưng ông có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo IEEPA. Đạo luật này sẽ trao cho ông thêm quyền để điều chỉnh một loạt các giao dịch kinh tế với Trung Quốc.

Hồi tháng 5, ông Trump từng gọi vấn đề biên giới là "cuộc khủng hoảng quốc gia khẩn cấp" và đe dọa sẽ áp thuế trừng phạt Mexico nếu người láng giềng không có biện pháp làm chậm lại làn sóng di cư từ Trung Mỹ đến Mỹ.

Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, IEEPA chưa bao giờ được viện dẫn liên quan tới các vấn đề thuế quan. Tổng thống cũng sẽ phải tham khảo ý kiến của Quốc hội sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Khi đó, Quốc hội có quyền hủy bỏ tuyên bố này nếu cảm thấy lý do ban bố tình trạng khẩn cấp của ông chủ Nhà Trắng là không phù hợp.

Tính đến nay, các tổng thống Mỹ đã 54 lần ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, 29 trong số đó vẫn đang có hiệu lực.

Ở lần đầu tiên IEEPA được viện dẫn trong cuộc khủng hoảng con tin năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại với Iran, đóng băng tài sản của Iran ở Mỹ.

Stephen Vladeck, Giáo sư luật tại Đại học Texas cho rằng một trong những vấn đề dễ thấy dưới thời Trump là các đạo luật cung cấp quá nhiều quyền lực cho Tổng thống, nhưng không nhiều trong số đó liên quan tới việc bảo vệ chính trị của đất nước.

Trong khi đó, Cựu Thống đốc bang Massachusetts Bill Weld nhận định sẽ là "thái quá" nếu một Tổng thống Mỹ can thiệp vào việc các công ty Mỹ kinh doanh thế nào, ra sao.

Nhiều công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đang hoang mang trước cảnh báo được phát đi từ Tổng thống Trump. Họ băn khoăn và thắc mắc liệu một tuyên bố được đưa ra từ Twitter thay vì một thông báo chính thức sẽ nghiêm túc tới mức nào.

Theo Washington Post, một số công ty đã phải liên hệ với các hiệp hội mà họ trực thuộc để tham vấn về tuyên bố "quăng bom" mới nhất của nhà lãnh đạo Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại