Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ quyết định sa thải Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI James Comey, người chịu trách nhiệm trong cuộc điều tra bê bối email của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Theo CNN, quyết định này của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây nên cú sốc trong dư luận khi chấm dứt sự nghiệp của một người vốn được coi là nhà hành pháp mẫu mực vì lập trường phi đảng phái và quan điểm công tâm của mình.
Các quan chức cấp cao của Nhà Trắng dường như đã đánh giá thấp tác động của quyết định bất ngờ này. Một nguồn thạo tin trong Nhà Trắng cho biết, đảng Dân chủ sẽ phát ngôn giống như những gì Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein giải thích về việc bãi nhiệm Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey, rằng quyết định này có thể sẽ không gây phản đối quyết liệt.
Một nguồn tin cho hay, ông Comey biết việc bị sa thải thông qua một bản tin truyền hình, trong khi đang làm việc với cấp dưới tại trụ sở FBI tại Los Angeles. Nguồn tin cho biết thêm, Comey thậm chí còn nói đùa để không khí bớt căng thẳng và gọi về văn phòng của ông để xác nhận thông tin.
Văn bản sa thải
Trong thư miễn nhiệm, Tổng thống Trump giải thích cho Comey rằng "ông bị bãi nhiệm và sa thải, có hiệu lực ngay lập tức"; trong đó, Trump cũng giải thích rằng "Comey không có khả năng điều hành FBI một cách hiệu quả".
"Chúng ta cần tìm một giám đốc FBI mới, lấy lại tín nhiệm của công chúng trong sứ mệnh hỗ trợ tư pháp của FBI", ông chủ Nhà Trắng viết.
Theo Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein, nguyên nhân của sự việc lần này bắt nguồn từ vụ điều tra email của bà Clinton, cụ thể là các quyết định của ông Comey và việc tổ chức họp báo.
Rosenstein cáo buộc Comey đã lạm quyền khi tuyên bố công khai lý do không truy tố vụ việc. Rosenstein viết trong ghi chú: "Sai lầm nối tiếp sai lầm, ngài giám đốc đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản khác: chúng ta không được tổ chức họp báo để đưa ra những thông tin về vụ việc điều tra kiểu này".
Ông nói: "Thay vì đi chệch hướng thì chúng ta cần quay lại với trách nhiệm vốn có của FBI. Cách ngài Giám đốc xử lý kết quả điều tra vụ email là hoàn toàn sai lầm. Do đó, công chúng và Quốc hội sẽ mất niềm tin vào FBI cho đến khi chúng ta có một người lãnh đạo mới hiểu ra mức độ nghiêm trọng cam kết không phạm sai lầm đó lần nữa".
Tổng thống Trump đã gây tranh cãi trái chiều trước quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: Reuters
Phản ứng của Quốc hội
CNN cho biết, Lãnh đạo Thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer lại nói với Trump qua điện thoại về vụ việc, rằng đây là một quyết định sai lầm.
Ông nói: "Phải chăng quá trình điều tra đang tiếp cận quá sâu liên đới đến Tổng thống?".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Burr, người dẫn dắt cuộc điều tra của ủy ban tình báo Thượng viện về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, cảm thấy lo lắng về việc sa thải Comey. Ông cho rằng đây là "một mất mát của FBI và quốc gia".
Burr nói: "Tôi lo lắng về thời điểm và lý do bãi nhiệm Comey. Tôi thấy Giám đốc Comey là một người có năng lực, và việc sa thải ông có thể gây khó khăn cho công tác điều tra của Ủy ban".
Khi các thành viên đảng Dân chủ yêu cầu một phiên họp đặc biệt do nghi ngờ quyết định của Bộ tư pháp trong chính quyền Trump thì đảng Cộng hòa lại bác bỏ.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn nói: "Tôi nghĩ Rod Rosenstein, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ có đủ khả năng giải quyết việc đó".
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cho biết dù lý do mà Rosenstein đưa ra để bãi nhiệm Comey là đúng, vụ việc vẫn sẽ dấy lên một số nghi vấn.
Thượng nghị sĩ John McCain cũng nói: "Mặc dù Tổng thống có quyền bãi nhiệm chức vụ Giám đốc FBI nhưng tôi rất thất vọng vì quyết định sa thải Comey của Trump".
"Quyết định vô lý"
Nhà phân tích pháp luật của CNN Jeffrey Toobin cho rằng, sa thải Comey vì hành động liên quan đến vụ điều tra email của bà Clinton là "vô lý". Toobin gọi đây là một động thái "lạm dụng quyền lực Tổng thống".
Ông nói: "Điều này không tồn tại trong truyền thống chính trị của Mỹ" và so sánh với sự kiện Tổng thống Richard Nixon phải từ chức sau bê bối chính trị Watergate.
Dù Trump có quyền sa thải người đứng đầu FBI nhưng Toobin cho rằng "điều này là bất thường".
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết, quyết định sa thải đến từ Rosenstein, người từng là Công tố viên bang Maryland dưới thời Tổng thống Barack Obama và vừa nhận vị trí mới – Thứ trưởng Tư pháp ngày 25/4.
Một quan chức cấp cao trong chính phủ cho biết Rosenstein đã đánh giá tình hình và cân nhắc việc sa thải Giám đốc FBI.
Ông gửi đề xuất đó của mình lên cho Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions – người đã rút khỏi cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ do từng là thành viên ban tranh cử và cố vấn cho Trump. Ông Sessions sau đó đã chuyển lại cho Trump và được Tổng thống phê duyệt vào thứ Ba (9/5).
Nhóm tranh cử của bà Clinton cho rằng, quyết định mở lại cuộc điều tra email của Comey là một trong nguyên nhân khiến bà thất bại trong cuộc bầu cử. Ảnh: CNN
Phản ứng của nhóm Clinton
Các nhân viên trong chiến dịch vận động tranh cử của Clinton cho rằng, động thái của Trump là một cách để thoát khỏi cuộc điều tra về liên lạc với Nga.
Nhiệm kỳ của Comey kéo dài đến năm 2023. Nhiệm kỳ mười năm được đưa ra để giúp cho các giám đốc của FBI khỏi bị lôi kéo vào chính trị, nhưng Tổng thống có quyền sa thải theo ý muốn.
Lần xuất hiện cuối cùng của Comey tại Điện Capitol tuần trước đã làm dấy lên nghi ngờ về chức vụ của ông. Ngay trước khi tin bãi nhiệm Comey được công bố, văn phòng của ông ra tuyên bố sẽ làm rõ lời khai của ông về việc cựu trợ lý của bà Clinton là Huma Abedin đã chuyển tiếp hàng loạt email cho chồng là Anthony Weiner.
Nhà Trắng cho biết sẽ ngay lập tức tìm kiếm một giám đốc FBI mới. Phó giám đốc Andrew McCabe hiện đang tạm giữ chức quyền giám đốc FBI.
Comey được chỉ định là Giám đốc FBI bởi Tổng thống Obama năm 2013.
Suốt nhiều thập kỷ kể từ thời cựu Giám đốc FBI J. Edgar Hoover, người nỗ lực đưa FBI tránh khỏi ảnh hưởng của chính trị, quyết định của Comey liên quan đến cuộc bầu cử 2016 càng đẩy ông tách ra khỏi lập trường tránh xa những ảnh hưởng từ chính trị của FBI.
Comey đã công khai bày tỏ quan điểm rằng Bộ Tư pháp không nên truy tố Clinton và những cộng sự của bà về vụ bê bối email khi bà còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng đã chỉ trích Clinton suốt một thời gian dài vì sự "bất cẩn với các thông tin nhạy cảm".
Sát ngày bầu cử, Comey thông báo với Quốc hội rằng, FBI sẽ mở lại cuộc điều tra Clinton. Và sau đó vài ngày lại kết luận không có kết quả và bác bỏ những cáo buộc dành cho Clinton.
Sau thất bại của Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton đã chỉ trích Comey vì cho rằng ông chính là một phần nguyên nhân khiến bà Hillary Clinton tranh cử thất bại.
Tuần trước, bà Hillary Clinton đã nói với CNN: "Tôi đang trên đà chiến thắng cho đến khi những lá thư của James Comey vào ngày 28 tháng 10 và WikiLeaks của Nga đã gây nghi ngờ trong tâm trí của những người định bỏ phiếu cho tôi, gây hoang mang".