Tổng thống Tayyip Erdogan, người suýt mất mạng trong cuộc đảo chính vào giữa tháng 7.2016, tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng cửa tất cả học viện quân sự của đất nước và giám sát quân đội chặt chẽ hơn thông qua việc tăng cường quyền lực cho Bộ trưởng Quốc phòng.
Theo ông Erdogan, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nắm quyền chỉ huy trực tiếp và kiểm soát mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang.
"Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mạnh hơn rất nhiều với những quy định mới sắp được công bố. Chỉ huy các lực lượng quân sự buộc phải báo cáo mọi hoạt động cho Bộ trưởng Quốc phòng, giúp chính phủ giám sát chặt chẽ hơn đối với quân đội", ông Erdogan nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 30.7 (giờ địa phương) với đài truyền hình A Haber.
"Các học viện quân sự cũng bị đóng cửa…Chúng tôi sẽ thành lập một trường đại học quốc phòng nằm dưới sự giám sát của chính quyền," nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.
Ngoài ra, ông Erdogan cũng muốn cơ quan tình báo quốc gia và các quan chức quân sự cấp cao trực tiếp báo cáo với tổng thống mọi hoạt động. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một sự thay đổi trong hiến pháp và sự ủng hộ từ các đảng đối lập.
Một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch kiểm soát quân đội và cơ quan tình báo quốc gia sẽ giúp ông Erdogan gia tăng quyền lực và hạn chế những cuộc đảo chính chống lại mình trong tương lai. Theo hãng tin Reuters, một cuộc thanh trừng quân sự đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau cuộc đảo chính thất bại vào ngày 15-16.7 của một nhóm binh sĩ.
Hơn 10.137 người liên quan đến vụ đảo chính đã bị bắt giữ, trong đó phần lớn là các sĩ quan, quan chức quân sự và một số tướng tá. Ngoài ra, khoảng 40% tướng lĩnh quân đội và đô đốc hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sa thải sau vụ đảo chính, hãng tin Reuters cho biết.
Trong một tuyên bố vào ngày 30.7, ông Erdogan cho rằng rất "đáng xấu hổ" khi các nước phương Tây lại quan tâm đến số phận của những kẻ âm mưu đảo chính thay vì đứng về phía Ankara, một thành viên trong liên minh quân sự NATO. Tổng thống cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo phương Tây đã không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc "thanh lọc quân đội nhằm tận diệt phong trào Gulen".
Trước đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Mỹ bao che cho giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là đứng sau cuộc đảo chính tại Ankara và Istanbul, khi không chấp nhận yêu cầu dẫn độ giáo sĩ này về Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo sĩ Gulen là người phát động phong trào Gulen có xu hướng chống lại ông Erdogan và hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.