Tổng thống Putin khẳng định tầm quan trọng của ‘kế hoạch chuyển giao’

Xuân Chi |

Tổng thống Nga Vladimir Putin không muốn nước Nga quay trở về thời Liên Xô khi các nhà lãnh đạo đương nhiệm qua đời mà không có kế hoạch chuyển giao quyền lực.

Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời nhà lãnh đạo 67 tuổi này cho biết kế hoạch chuyển giao là quan trọng đối với nước Nga. Bình luận được đưa ra vài ngày sau khi ông có các đề xuất bất ngờ về thay đổi hiến pháp dẫn đến chính phủ của ông Dmitry Mevedev từ chức và bổ nhiệm thủ tướng mới.

Tại cuộc gặp mặt với các cựu binh Thế chiến thứ hai tại Saint Peterburg hôm 18/1, khi được hỏi về cân nhắc xóa bỏ quy định giới hạn về nhiệm kỳ tổng thống, ông Putin đã bác bỏ ý tưởng này.

“Theo tôi, sẽ rất đáng lo ngại nếu quay trở lại thời giữa thập niên 1980 khi các nguyên thủ đều nắm quyền đến cuối đời và rời nhiệm sở mà không có điều kiện cần thiết về chuyển giao quyền lực. Vì vậy, cảm ơn các bạn, song tôi nghĩ tốt hơn không nên quay lại thời kỳ đó”, ông nói.

Ba nhà lãnh đạo Xô Viết là Leonid Brezhnev, Yury Andropov và Konstantin Chernenko đều qua đời khi tại nhiệm. Người kế nhiệm ông Chernenko là ông Mikhail Gorbachev đã đưa ra những cải cách kinh tế và chính trị để thay đổi hệ thống Xô Viết, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Ông Vladimir Putin, dự kiến hết nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2024, khẳng định ông hiểu rõ những mối quan tâm của người dân về việc nắm giữ quyền lực liên tục.

“Đối với nhiều người dân Nga, điều này gắn liền với nỗi lo về ổn định xã hội, ổn định nhà nước – cả ổn định bên trong và bên ngoài – tôi hoàn toàn hiểu điều này”, ông nói.

Hôm 15/1, Tổng thống Putin đã khiến người dân Nga bất ngờ bởi các đề xuất liên quan đến Hiến pháp Nga, trong đó có việc trao thêm thẩm quyền cho quốc hội cũng như đảm bảo vai trò của Hội đồng Nhà nước Liên bang Nga.

Đây sẽ là bước thay đổi quan trọng đầu tiên đối với luật pháp cơ bản của Nga kể từ thời Tổng thống Boris Yeltsin năm 1993.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại