"Tổng thống Obama mà đến thăm Quảng Trị thì tốt"

Đức Huy |

Với những cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam như Chuck Searcy, chuyến công du tới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chỉ thật sự trọn vẹn nếu ông đặt chân đến mảnh đất Quảng Trị.

"Sẽ thật tốt nếu [Tổng thống] Obama đến thăm Quảng Trị, để có thể tận mắt chứng kiến những hậu quả chiến tranh để lại, trên mảnh đất nơi con người vẫn hàng ngày phải chịu khổ do những quyết định đưa ra hàng chục năm về trước" - ông Searcy chia sẻ với phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ.

Với người cựu chiến binh này, những chuyến đi tới Quảng Trị hỗ trợ các nỗ lực khảo sát, rà phá bom mìn còn sót lại, cũng như chăm lo cho gia đình các nạn nhân chất độc da cam, đã trở thành một phần không thể thiếu trong suốt gần 20 năm sinh sống và làm việc của ông tại Việt Nam.

Tổng thống Obama mà đến thăm Quảng Trị thì tốt - Ảnh 1.

Trong mắt ông, Việt Nam của ngày hôm nay đã khác xa so với những hình ảnh thời chiến.

"Bốn thập kỉ đã trôi qua kể từ khi Mỹ rời khỏi mảnh đất này, bỏ lại đằng sau cảnh tượng hoang tàn của chiến tranh, Việt Nam đã trỗi dậy một cách đầy ấn tượng.

Họ đã thoát khỏi cảnh nghèo đói, tái thiết cơ sở hạ tầng, cải cách nền kinh tế, và tạo ra nhiều cơ hội cho một thế hệ trẻ được giáo dục" - cựu binh Mỹ nhận xét.

Đây cũng chính là một phần lý do tại sao trong chuyến công du sắp tới của mình, Tổng thống Obama muốn hướng tới lớp trẻ Việt Nam. Ông muốn họ đóng vai trò đầu tàu đưa hai nước tiến xa khỏi những năm tháng "cựu thù", để hướng tới một tương lai hợp tác năng động Việt-Mỹ.

Tổng thống Obama mà đến thăm Quảng Trị thì tốt - Ảnh 2.

"Tại Việt Nam, Obama sẽ tập trung vào tương lai, thay vì quá khứ" là tiêu đề một bài viết thể hiện quan điểm của Nhà Trắng đăng trên New York Times hôm 15/5 vừa qua.

Nhưng với những gì Searcy đã chứng kiến, cựu binh này hiểu rằng, vẫn còn quá nhiều điều đọng lại từ cuộc chiến để có thể cứ thế mà "quên đi quá khứ, hướng tới tương lai".

Điều khiến ông suy nghĩ rất nhiều là việc giới trẻ hiện nay, cả Việt Nam và Mỹ, nhìn chung đều không có kiến thức đầy đủ về cuộc chiến. Nhìn vào giáo trình Mỹ, ông Searcy nhận định hệ thống giáo dục tại đây chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của học sinh sinh viên về cuộc chiến.

"Kể cả giới trẻ Việt Nam dường như cũng không nắm được kiến thức về cuộc chiến. Tôi chưa xem giáo trình lịch sử ở Việt Nam ra sao, nhưng qua những gì các bạn trẻ Việt Nam hỏi tôi, tôi thấy rằng nhiều bạn không hiểu về những gì đã xảy ra" - cựu binh Mỹ nhận xét.

Tương tự như thế hệ trẻ hai nước, theo ông Searcy, do trưởng thành trong khoảng thời gian sau khi cuộc chiến đã khép lại, Tổng thống Obama "đại diện cho một làn sóng mới, tách rời khỏi bối cảnh lịch sử".

Tất nhiên, cựu binh này ủng hộ sự phát triển trong quan hệ Việt-Mỹ, song ông nhấn mạnh, không thể vì thế mà có thể quay lưng với lịch sử, với quá khứ:

"Việc Mỹ và Việt Nam có quan hệ hữu nghị như hiện nay là một điều đáng mừng, vì không ai muốn cứ mãi rơi vào tình cảnh bất đồng hay thù địch cả.

Nếu nhìn từ góc độ này, thì phương châm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai là hết sức tích cực. Có rất nhiều khía cạnh hai nước có thể hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.

Mặt khác, không thể phủ nhận giá trị của việc tôn trọng lịch sử, cũng như có được một cái nhìn rõ ràng về những gì đã diễn ra trong quá khứ. Quá khứ đau thương không ai muốn nhắc lại, và thế là tất cả quay lưng lại với quá khứ, để hướng tới tương lai.

Nhưng vấn đề là ở chỗ: nếu không rút ra được những bài học từ quá khứ, thì những sai lầm trong quá khứ sẽ cứ lặp lại.

Do đó, [đến thăm Quảng Trị] sẽ là một trải nghiệm, một bài học thực sự với Obama".

Trong những chuyến thăm Việt Nam trước đây của các đương kim Tổng thống Mỹ, cả Bill Clinton (năm 2000) và George W. Bush (năm 2008) đều dừng chân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chưa một Tổng thống Mỹ nào từng tới thăm Quảng Trị, mảnh đất phải hứng chịu lượng bom đạn lớn nhất trong chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại