Theo Fox News, phát biểu tại thủ đô Vientiane của Lào ngày 6-9, Tổng thống Obama nhấn mạnh những lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phản ánh các lợi ích cơ bản của quốc gia chứ không phải là “một thứ đam mê thoáng qua”.
Ông khẳng định chắc nịch: “Dù thế nào đi nữa, quý vị cứ nên tin vào Mỹ. Mỹ đang can dự sâu vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn những gì đã làm trong nhiều thập niên qua”.
Như thể sợ cử tọa chưa tin, tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi đã gửi đi thông điệp rằng chúng tôi đang có mặt tại đây và chúng tôi ở lại đây”.
Ông chủ Nhà Trắng cam kết duy trì việc tăng cường hợp tác quân sự với các nước như Philippines, Singapore và Ấn Độ cũng như thúc đẩy hợp tác thương mại với khu vực.
Ông cũng đã mang đến “món quà” 90 triệu USD cho Lào là khoản trợ cấp cho công tác rà phá bom mìn và trợ giúp các nạn nhân của bom mìn còn sót lại, chủ yếu của lực lượng Mỹ thả xuống đất Lào trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Ông Obama khẳng định: “Chiếu theo sự can dự lịch sử, tôi nghĩ rằng nước Mỹ phải có trách nhiệm đạo đức trong việc giúp Lào chữa lành vết thương này”.
Ngày 7-9, ông Obama sẽ đến thăm một trung tâm trợ giúp các nạn nhân bom mìn tại thủ đô Vientiane của Lào. Theo ước tính, Lào đã hứng chịu đến hơn 2 triệu tấn bom mìn mà theo lời ông Obama là “nhiều hơn cả Đức hay Nhật phải hứng chịu” trong Thế chiến thứ hai.
Tính theo đầu người thì dân Lào đã phải hứng chịu số bom nhiều nhất thế giới và còn khoảng 30% số bom thả xuống chưa phát nổ đang trở thành mối đe dọa thường trực cho người dân.
Tính từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, hơn 20.000 người dân Lào đã bị thương vong do bom mìn chiến tranh còn sót lại.
Chiều 7-9, ông Obama cũng sẽ có một cuộc nói chuyện hỏi - đáp với thanh niên Lào ở Luang Prabang. Đây được xem là một sự kiện mới chưa từng có ở Lào và chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó quên cho chuyến thăm đầu tiên của tổng thống Mỹ.
Ông Brett Bruen, chủ tịch Công ty tư vấn Global Situation Room, nhận định: “Chuyến thăm Lào của Tổng thống Obama gửi đi thông điệp rằng Mỹ đang gây lại ảnh hưởng ở khu vực. Dù Lào có thể là một quốc gia nhỏ nhưng chuyến thăm là chỉ dấu cho thấy Mỹ hi vọng thông qua đó kết nối quan hệ không chỉ với Lào mà với cả khu vực”.