Quyết định hủy bỏ Obamacare của Thượng viện Mỹ đã được lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell tái khẳng định lại hôm 8/1.
Ông McConnell cho biết Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành những bước đầu tiên để hủy bỏ đạo luật tâm huyết của ông Obama trong tuần này.
Phát biểu trên chương trình “Face the Nation” của kênh CBS, thượng nghị sĩ McConnell cho hay đảng Cộng hòa sẽ có chương trình “thay thế nhanh chóng sau khi bãi bỏ đạo luật trên”, đồng thời cho rằng “ không nên có một khoảng cách lớn trong bước thứ nhất và bước thứ hai". Tuy nhiên, ông McConnell không nêu rõ “nhanh chóng” cụ thể là bao lâu.
Cùng ngày 8/1, Tổng thống Obama cũng khẳng định với kênh ABC rằng ông không cảm thấy khó chịu khi đảng Cộng hòa đang tạo ra những thay đổi đối với Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe, thậm chí ngay cả khi họ có thể đổi tên nó từ ObamaCare sang TrumpCare.
ObamaCare chính thức được ký ban hành ngày 23/3/2010 và là một trong những chính sách đối nội then chốt của Tổng thống Obama.
Ông Obama tin tưởng đạo luật ObamaCare đưa đến những quy tắc công bằng hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người mua bảo hiểm, khiến việc đăng ký bảo hiểm trở nên dễ dàng hơn, với chi phí hợp lý và chú trọng hơn đến người bệnh.
Nhà Trắng cho biết ObamaCare đã giúp 17,6 triệu người dân Mỹ được cấp bảo hiểm.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và một số thành viên trong đảng Cộng hòa trước đó cũng khẳng định việc hủy bỏ ObamaCare sẽ là ưu tiên hàng đầu của mình, tuy nhiên, kế hoạch hủy bỏ của họ đã vấp phải chỉ trích vì không có đạo luật thay thế nào được triển khai. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã luôn chỉ trích đạo luật của Obama là một "thảm họa".
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ "Wall Street Journal" ngày 11/11/2016, ông Trump tuyên bố có thể giữ lại hai điều khoản chính trong Obamacare, bao gồm lệnh cấm các hãng bảo hiểm từ chối chi trả vì tiền sử bệnh tật của khách hàng và luật cho phép mọi người được hưởng chung chương trình bảo hiểm y tế với cha mẹ cho tới khi 26 tuổi.