Tổng thống Nga Putin sẽ đòi Tổng thống Mỹ Trump trả nhà

Vĩnh Thụy |

Khi hai lãnh đạo Nga - Mỹ gặp nhau lần đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức) vào cuối tuần này, Tổng thống Nga Putin sẽ đòi Tổng thống Mỹ Trump trả nhà.

Đó là hai cơ sở ngoại giao của Nga ở hai bang New York và Maryland bị Mỹ tịch thu hồi tháng 12.2016. Lúc ấy, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, với lý do Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Theo cố vấn đối ngoại Yuri Ushakov của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chính phủ Nga đã “linh động đến bất thường”, bằng cách không trả đũa hành động tịch thu “lãnh thổ của Nga” trên đất Mỹ của chính quyền Obama.

Thế nhưng đã đến lúc Moscow cạn sự kiên nhẫn về vấn đề này, theo hãng tin AP. Cố vấn Ushakov kêu gọi Washington “giải thoát Nga khỏi việc phải có những hành động trả đũa”.

Có tin Nhà Trắng đã xem xét việc trả lại hai cơ sở ngoại giao cho Nga, trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Moscow.

Trong những ngày qua, các quan chức Nga cảnh báo những hành động trả đũa đã được tính đến, nếu Mỹ không trả lại hai cơ sở hạ tầng nêu trên.

Sứ quán Nga sử dụng hai cơ sở này để thư giãn, giải trí, nhưng tình báo Mỹ từ lâu cho rằng chúng là cơ sở hoạt động tình báo của Nga.

Nga nhấn mạnh ý muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ

Trong một tuyên bố khác, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ nêu vấn đề Mỹ phải trả nhà, khi ông gặp ông Trump tại Đức.

Điện Kremlin hy vọng ông Putin sẽ “chuyển tải đủ việc cần tìm ra một giải pháp nhanh nhất” về vấn đề “gây khó chịu” cho quan hệ Nga - Mỹ.

Cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên giữa hai ông Putin - Trump vào thời điểm Mỹ có các cuộc điều tra về nghi án nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga, và vào lúc quan hệ giữa Moscow - Washington xuống cấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Đã có những đồn đoán suốt nhiều tháng qua về thời điểm hai vị tổng thống gặp nhau. Nhà Trắng hầu như không cho biết chi tiết cuộc nói chuyện cấp cao.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng H.R. McMaster cho biết các quan chức chính phủ được giao nhiệm vụ soạn các cách ứng phó với Nga, vì Nga “có hành vi gây bất ổn” như tấn công mạng, xuyên tạc chính trị, và Mỹ cũng muốn cùng Nga hợp tác về những vấn đề như Syria, CHDCND Triều Tiên.

Điện Kremlin thông báo nội dung làm việc chi tiết hơn, công bố danh sách các lĩnh vực mà Nga tin có thể hợp tác với Mỹ. Vấn đề Nga quan tâm hàng đầu là không hài lòng với những lệnh trừng phạt Nga do Mỹ áp đặt, và Nga rất muốn hợp tác chống khủng bố quốc tế, giải quyết khủng hoảng Syria, cải thiện nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Một vấn đề khác mà Điện Kremlin từng nêu ra với chính quyền Obama, đó là tuyên bố nhấn mạnh việc Moscow muốn phục hồi quan hệ bình thường với Mỹ.

Tuyên bố của Điện Kremlin viết: “Có những tiềm năng cho nỗ lực điều phối. Hai quốc gia có thể cùng nhau giải quyết các khủng hoảng khu vực”, gồm Ukraine, Libya và xung đột Israel - Palestine.

Tuyên bố cũng nói Nga sốt ruột phục hồi quan hệ thương mại với Mỹ.

Trước đó ngày 30.6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với hãng tin Interfax: Ông hy vọng cuộc gặp giữa hai Tổng thống Nga - Mỹ sẽ làm rõ được mối quan hệ. Ông cảnh báo việc không bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ sẽ là “một sai lầm khổng lồ”.

Điều khó là ông Trump bị hạn chế khả năng thay đổi chính sách Mỹ đối với Nga

Thế nhưng thực tế thì chưa thể rõ ngoài việc trả lại hai cơ sở ngoại giao, liệu hai ông Putin - Trump sẽ có thể nhờ cậy gì nhau. Ở nhiều lĩnh vực, quyền lợi Nga - Mỹ chồng lấn nhau, và xem ra sẽ không có sự thay đổi nào dưới thời ông Trump.

Nga - Mỹ đã có mâu thuẫn về nội chiến Syria, với vụ chiến đấu cơ Mỹ bắn rụng máy bay cường kích Su-22 của không quân Syria.

Nhà Trắng nói sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, cho đến khi nào Nga rút khỏi Crimea, và Thượng viện Mỹ nói họ cùng Nhà Trắng đã soạn thêm nhiều biện pháp trừng phạt Nga với cớ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Maria Lipman, nhà phân tích chính trị lão thành ở Moscow, nói: “Tôi không nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng bất kỳ sự đột phá nào. Tôi không nghĩ chúng ta có thể chờ đợi bất kỳ kết quả có ý nghĩa nào từ cuộc gặp giữa hai tổng thống, thậm chí cũng sẽ không có sự khởi động những giải pháp về các vấn đề lớn”.

Trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ và sau đó, một số quan chức Nga và giới truyền thông nhà nước bày tỏ sự lạc quan, rằng ông Trump trúng cử có nghĩa sẽ có quan hệ tốt hơn giữa Nga - Mỹ.

Thế nhưng các hy vọng này cho đến nay chưa thành hiện thực. Bà Lipman cho rằng Điện Kremlin đang dần nhận ra điều này: Ông Trump bị hạn chế khả năng thay đổi chính sách Mỹ đối với Nga, dựa trên tầm cỡ vụ tai tiếng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại