Phát biểu trước báo giới ngày 16/3, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer đã bảo vệ những cáo buộc Tổng thống Trump đưa ra, khẳng định quan điểm của ông chủ Nhà Trắng về vấn đề này không thay đổi. Ông Spicer trích dẫn các bài báo thảo luận các thông tin tình báo về các mối quan hệ có thể có giữa các cộng sự của Tổng thống Trump và Nga trong chiến dịch tranh cử.
Quan chức này đặc biệt đề cập đến một báo cáo chưa được kiểm chứng của hãng Fox News, trong đó cáo buộc cựu Tổng thống Obama đã sử dụng Cơ quan Thông tin chính phủ Anh (GCHQ), cơ quan tình báo có nhiệm vụ giám sát viễn thông nước ngoài, để thu thập các cuộc đối thoại của ông Trump mà vẫn đảm bảo "không để lại dấu vết".
Khi được yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng, ông Spicer chỉ trích truyền thông đã tập trung quá nhiều vào những quan điểm chỉ trích những cáo buộc của ông Trump về việc theo dõi, đồng thời nhấn mạnh cần chờ đợi kết luận chính thức cuối cùng của các cuộc điều tra.
Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi 2 thượng nghị sĩ hàng đầu trong quốc hội cùng ngày lên tiếng bác bỏ những cáo buộc theo dõi điện thoại cá nhân của Tổng thống Trump.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Burr và Phó Chủ tịch ủy ban trên, nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner nêu rõ: "Dựa trên những thông tin có sẵn, chúng tôi không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy tòa tháp Trump là mục tiêu giám sát của bất kỳ đơn vị nào trong chính phủ trước và sau ngày bầu cử 2016".
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cũng nêu quan điểm tương tự khi cho biết các cuộc điều tra liên tục và mở rộng của các ủy ban tình báo cho đến nay vẫn chưa phát hiện hoat động theo dõi, giám sát nào của chính quyền tiền nhiệm đối với ông Trump.
Hôm 13/3, cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng Kellyanne Conway cũng khẳng định bà không có bằng chứng để chứng minh cáo buộc mà Tổng thống Mỹ Trump đưa ra trước đó rằng người tiền nhiệm Obama đã ra lệnh theo dõi điện thoại của tỷ phú này. Tuy nhiên, bà vẫn khẳng định có thể ông Trump bị do thám dưới các hình thức khác nhau và có nhiều cách để theo dõi một người, thông qua điện thoại, tivi hay ngay cả lò vi sóng.
Chính quyền Trump đang đối mặt với sức ép phải cung cấp bằng chứng liên quan đến cáo buộc chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã tiến hành do thám quy mô lớn đối với ông Trump trong giai đoạn tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Tổng thống Trump đã tuyên bố chính quyền tiền nhiệm đã tiến hành nghe lén ông tại Tháp Trump trong thời gian ông tranh cử mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào.
Cựu Tổng thống Obama đã tuyên bố cáo buộc này là sai sự thật. Trong khi đó, lãnh đạo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ cũng khẳng định không có bất kỳ hành vi theo dõi nào nhằm vào Tổng thống Trump ở thời điểm ông mới đắc cử, cũng như khi tham gia tranh cử hồi năm ngoái.
Theo luật định, tổng thống không được phép chỉ đạo tiến hành nghe lén đối với bất kỳ cá nhân nào, thay vào đó cơ quan chính phủ thực hiện nhiệm vụ này nếu được sự đồng ý của tòa án.
Việc ông Trump đưa ra lời cáo buộc trên đối với ông Obama được nhìn nhận là nước cờ chính trị trong bối cảnh khá nhạy cảm khi Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng đang điều tra cáo buộc về việc tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ vừa qua.