Các lãnh đạo ASEAN - Mỹ thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện - Ảnh: D.GIANG
Khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), mong muốn phối hợp chặt chẽ cùng ASEAN đẩy mạnh triển khai quan hệ vừa được thiết lập nhằm mở ra kỷ nguyên mới, chung tay cùng ASEAN ứng phó hiệu quả các thách thức.
Sự chung tay này được thể hiện khi Tổng thống Biden công bố hỗ trợ thêm 850 triệu USD cho khu vực ASEAN trong năm 2023 nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai bên.
Với những kết quả hợp tác đạt được, ASEAN và Mỹ nhất trí tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phục hồi toàn diện, hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Cùng với các nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, ASEAN cũng mong muốn cùng Mỹ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, mở rộng hợp tác nhiều lĩnh vực mới như ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác biển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với ASEAN, nỗ lực nâng tầm hợp tác đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.
Thủ tướng nhất trí thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ, đóng góp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ đối phó hiệu quả với thách thức toàn cầu, vì một ASEAN tự lực, tự cường, phồn vinh và thịnh vượng.
Trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm, ASEAN và Mỹ cần ưu tiên đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi bền vững sau đại dịch. Khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng đề nghị Mỹ hỗ trợ ASEAN để hàng hóa được rộng mở vào thị trường, giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử.
Thủ tướng cũng mong Mỹ tiếp tục hỗ trợ ASEAN phát triển bền vững tiểu vùng Mekong thông qua Đối tác Mekong - Mỹ, trong đó có hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển cần là nền tảng trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản - Ảnh: D.GIANG
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 25, lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhất trí tập trung hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy phục hồi toàn diện, trong đó phục hồi kinh tế là động lực chính, hỗ trợ nhau kiểm soát đại dịch.
Nhật Bản cam kết hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực tự cường y tế, trong đó tiếp tục hỗ trợ Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) vận hành.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển cần là nền tảng, động lực và là ưu tiên trong bối cảnh hồi phục sau COVID-19.
Theo đó, chính phủ các nước ASEAN đã và sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao; cũng như mong Nhật Bản tạo thuận lợi hơn đối với xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam và các nước ASEAN, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Đề cao cách tiếp cận người dân là trung tâm, chủ thể của mọi hoạt động cần là nhận thức chung của các chính phủ, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản cùng ASEAN thúc đẩy giao lưu nhân dân, văn hóa, thúc đẩy du lịch, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng cảm ơn Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 400.000 người Việt Nam đang làm việc, sinh sống hòa thuận, hợp tác cùng người dân Nhật Bản theo đúng luật pháp.