Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: Reuters
Ông Abbas là lãnh đạo Chính quyền Palestine, được thành lập theo Hiệp định Oslo năm 1993, một hiệp ước hòa bình giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), trong đó PLO từ bỏ cuộc kháng chiến chống lại Israel để đổi lấy những lời hứa về một nhà nước Palestine độc lập.
"Chúng tôi cảnh báo về bất kỳ nỗ lực nào nhằm di dời người dân của chúng tôi khỏi Dải Gaza, và chúng tôi cũng cảnh báo về bất kỳ nỗ lực nào nhằm trục xuất người Palestine khỏi nhà của họ hoặc khỏi Jerusalem và Bờ Tây, bởi vì chúng tôi sẽ không chấp nhận việc phải di dời, chúng tôi sẽ ở lại trên lãnh thổ của mình bất chấp những thách thức”, ông Abbas nhấn mạnh trước các lãnh đạo quốc tế. “Chúng tôi sẽ không rời đi. Chúng tôi sẽ ở lại trên lãnh thổ của mình.”
Trong bài phát biểu, ông Abbas cũng thẳng thắn lên án các vụ giết hại dân thường của cả hai bên và kêu gọi thả tất cả con tin.
Ông nhắc lại lập trường của Chính quyền Palestine rằng "an ninh và hòa bình có thể đạt được bằng cách thực hiện giải pháp hai nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế” và thành lập một nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô.
Trước đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cho biết ông tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới tại thủ đô Cairo để tìm ra "lộ trình" nhằm chấm dứt "thảm kịch nhân đạo" đang diễn ra ở Dải Gaza.
Ông nói rằng sau khi viện trợ được chuyển đến Dải Gaza, các nỗ lực nên tập trung vào việc đàm phán một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Bước cuối cùng trong quá trình này sẽ là nối lại các cuộc đàm phán nhằm “khôi phục tiến trình hòa bình dẫn tới giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập”.
Tổng thống Sisi cũng phản đối việc di dời người Palestine và nhấn mạnh rằng việc di dời họ sang các khu vực khác, chẳng hạn như vào Sinai, không phải là một giải pháp công bằng.
Ông nói rằng Ai Cập lên án việc nhắm mục tiêu và giết hại dân thường, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo bảo vệ dân thường mà “không phân biệt đối xử”.
Ông chỉ trích những gì ông mô tả là "sự trừng phạt tập thể, phong tỏa và bỏ đói" nhằm vào "người Palestine", nhấn mạnh rằng Ai Cập đã làm việc "suốt ngày đêm" để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển viện trợ đến Dải Gaza.
Trước đó hôm thứ Bảy, một đoàn xe gồm 20 xe tải viện trợ đã đi qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập đến Dải Gaza để cung cấp viện trợ nhân đạo.