Ông Thaci nói rằng EU "quay lưng" với Kosovo, Albania, Bosnia và Herzegovina, Macedonia vì đã không lập một lộ trình gia nhập khối cho các nước kể trên.
Theo truyền thông ở khu vực Balkan, hồi tháng 9 vừa qua Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã gửi một bức thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Tajani thông báo kế hoạch của EC về việc xây dựng lộ trình cho Serbia và Montenegro gia nhập Liên minh châu Âu từ cuối năm 2018 và hoàn tất tiến trình vào năm 2025.
"Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã thực hiện một cú huých trong khu vực khi họ hứa sẽ có một chiến lược gia nhập EU cho Montenegro và Serbia nhưng lại quay lưng lại với 4 quốc gia Balkan còn lại", ông Thaci nói, theo đài phát thanh RTK của Kosovo.
Theo lãnh đạo Kosovo, thái độ của EC với các quốc gia Balkan cũng như chính sách mở rộng khối EU của Brussels là "phức tạp".
Ông Thaci nói rằng "lãnh đạo Eu đang tỏ ra sợ hãi trong đối ngoại và mệt mỏi trong việc mở rộng vì thế họ mới cam kết rằng việc mở rộng khối sẽ không xảy ra cho tới hết năm 2019".
Hôm 13.9, ông Junker nói rằng Liên minh châu Âu cần phải đưa ra một viễn cảnh mở rộng đáng tin cậy cho các quốc gia Balkan nhằm ổn định khu vực lân cận của mình.
Ngoài ra, Brussels cũng có một tuyên bố trong ngày 21.9 rằng họ đang tăng cường hỗ trợ cho việc hội nhập của các quốc gia khác trong khu vực vào Liên minh châu Âu vì những tiến bộ "không thể đảo ngược" trong thời điểm cuối nhiệm kỳ của EC.
Dù vậy, trong chuyến thăm với Pristina của Chủ tịch Ủy ban Mở rộng EU Christian Danielsson, ông này cho hay Brussels sẽ không dỡ bỏ chế độ visa cho Kosovo tới khi nào nước này và Montenegro phê chuẩn thỏa thuận biên giới với nhau, nhằm chính thức công nhận ranh giới giữa hai bên. Thỏa thuận biên giới giữa Kosovo và Montenegro đã bị đình trệ trong mấy năm qua.