Vào thời điểm của hơn 18 năm về trước, vào rạng sáng 20/3/2003, Mỹ và liên quân bắt đầu dội bom và phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào các vị trí của Iraq. Cuộc chiến tranh Iraq chính thức bùng nổ, thủ đô Baghdad rung chuyển. Lúc bấy giờ, Tổng thống Mỹ là George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng chính quyền Iraq của Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Vào tháng 12 cùng năm, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bị bắt trong Chiến dịch Bình minh đỏ và bị tử hình 3 năm sau đó.
Tuy nhiên, đất nước Iraq từ đó đến nay vẫn không có được sự yên bình. Các cuộc nổi dậy chống Mỹ của các nhóm dân quân, cộng thêm mâu thuẫn chính trị khiến đất nước Iraq rơi vào bất ổn triền miên, khủng bố lan rộng và điển hình nhất là việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng đã được hình thành. Điều này đã khiến cho quân đội Mỹ lún sâu hơn vào cuộc chiến tại Iraq cho tới tận bây giờ.
Mặc dù Iraq đã tuyên bố chiến thắng trước IS vào tháng 12/2017, với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ đứng đầu, song đến nay Mỹ vẫn duy trì 2.500 lính đang đóng tại Iraq với nhiệm vụ chính là chống lại các tàn dư của tổ chức khủng bố IS.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Tại cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với Thủ tướng Iraq Al-Kadhimi tại Nhà Trắng trong khuôn khổ đối thoại chiến lược giữa hai nước, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (26/7) thông báo quan hệ hai nước sẽ bước vào một giai đoạn mới, bao gồm việc Mỹ sẽ chấm dứt tham gia vào các hoạt động chiến đấu ở quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố khi kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Iraq và cho biết vai trò của quân đội Mỹ sẽ là tiếp tục đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ quân đội Iraq.
“Cuộc chiến chống IS là rất quan trọng cho sự ổn định của khu vực. Do đó, việc hợp tác chống khủng bố giữa 2 nước sẽ tiếp tục ngay cả khi chúng ta chuyển sang giai đoạn mới này. Vai trò của Mỹ sẽ là tiếp tục đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ và đối phó với IS nhưng chúng tôi sẽ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của mình vào cuối năm nay”, ông Biden nói.
Quyết định của Tổng thống Mỹ được đưa vào thỏa thuận ký kết chính thức giữa ông và Thủ tướng Iraq Al-Kadhimi. Thỏa thuận này có thể được xem là dấu mốc lịch sử quan trọng khép lại sự can dự quân sự hơn 18 năm qua của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này. Động thái diễn ra khi cuộc chiến chống IS đã khép lại, các lực lượng vũ trang Iraq có đầy đủ khả năng bảo vệ đất nước – như tuyên bố mới đây của Thủ tướng Iraq Al-Kadhimi; cộng thêm sự phản đối sự hiện diện của Mỹ bởi một bộ phận lớn quan chức và người dân Iraq hiện nay.
Việc Mỹ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu cũng diễn ra trong bối cảnh các nhóm dân quân trong khu vực thân Iran – đối thủ của Mỹ trong khu vực, vẫn đang tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã quyết định rút hết quân đội khỏi Afghanistan trước tháng 9 năm nay, khép lại cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ của nước Mỹ. Quyết định là sự kế thừa di sản mà người tiền nhiệm Donald Trump, với thỏa thuận hòa bình lịch sử với Taliban hồi tháng 2/2020. Tuy nhiên, đất nước Afghanistan vẫn chìm trong xung đột và giao tranh khi chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban chưa thể đạt được thỏa thuận hòa bình./.