Tổng thống Indonesia với sứ mệnh thúc đẩy hòa bình cho cuộc chiến Nga và Ukraine. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Indonesia - nước Chủ tịch G20 cũng là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên tới thăm hai quốc gia này kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.
Phát biểu trước chuyến thăm Đức để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Joko Widodo cho biết sẽ hối thúc các nước G7 tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu.
Ông cũng nhấn mạnh những nhiệm vụ chính trong chuyến thăm tới Nga và Ukraine vào tuần tới: "Tôi sẽ thăm Ukraine và có cuộc gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Nhiệm vụ của tôi đó là đề nghị Tổng thống Zelensky mở cánh cửa đối thoại, xây dựng hòa bình vì chiến tranh phải chấm dứt và chuỗi lương thực toàn cầu cần được nối lại đầy đủ. Với sứ mệnh tương tự, tôi cũng sẽ đề nghị Tổng thống Nga mở cánh cửa đối thoại, ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt cuộc chiến".
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định, bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra, các sản phẩm thực phẩm và phân bón từ Nga và Ukraine cần được "tái hòa nhập vào thị trường toàn cầu”, và cần đảm bảo một hành lang ngũ cốc từ Ukraine và mở cửa xuất khẩu lương thực và phân bón từ Nga. Bà cũng kêu gọi các nước phải kiềm chế các hành động làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực. Trước đó nhiều thông tin cho biết Tổng thống Widodo có khả năng sẽ thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin tạo điều kiện thuận lợi cho Ukraine xuất khẩu lúa mì.
Cuộc chiến Nga-Ukraine phủ bóng lên các cuộc họp của G20 với Indonesia là nước Chủ tịch năm 2022. Tuy nhiên trong thời gian qua Indonesia luôn giữ vai trò trung lập bất chấp sức ép từ các nước thành viên yêu cầu không mời quốc gia thành viên Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến vào tháng 11 tới tại Bali. Tuy nhiên Indonesia cho đến nay vẫn từ chối sức ép này, thay vào đó mời Tổng thống Ukraine Zelensky làm khách mời tại hội nghị thượng đỉnh.
Chuyến thăm của ông Widodo tới Ukraine và Nga tiếp tục là một minh chứng cho chính sách đối ngoại trung lập của quốc gia Đông Nam Á này, cũng như thể hiện vai trò quan trọng của Indonesia trong việc giải quyết các cuộc xung đột quốc tế khi nắm giữ vai trò chủ tịch G20./.