Tổng thống Park Geun-hye bị các nghị sĩ của đảng đối lập và người dân cả nước yêu cầu từ chức, trong khi người bạn thân của bà bị văn phòng công tố bắt giữ khẩn cấp. Nhiều người cho rằng bà Park đang phải đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.
“Tổng thống vịt què”?
Báo chí phương Tây thường dùng hình ảnh “vịt què” để mô tả một tổng thống không còn nắm được quyền lực lãnh đạo đất nước. Nữ Tổng thống Park Geun-hye đang dần rơi vào tình thế này bởi vụ bê bối đang gây chấn động Hàn Quốc.
Ngày 25-10, bà Park Geun-hye đã tổ chức họp báo xin lỗi công chúng trên sóng truyền hình. Cùng lời xin lỗi này, hàng loạt quan chức chính phủ cấp cao thân cận với Tổng thống Park cũng buộc phải từ chức.
Văn phòng công tố Seoul hôm 27-10 đã thành lập một đội điều tra đặc biệt để điều tra vụ việc. Thông tin trên đã khiến dư luận Hàn Quốc và quốc tế chấn động.
Tờ Washington Post dẫn lời GS Shin Yool của Trường ĐH Myong Ji (Hàn Quốc), gọi vụ bê bối chính trị này là cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi Hàn Quốc được thành lập cách đây 70 năm. “Tổng thống đã bị mất khả năng lãnh đạo đất nước” - vị giáo sư nhận xét.
Vụ bê bối đã khiến cho tỉ lệ tín nhiệm bà Park Geun-hye rơi xuống mức thấp kỷ lục trong các đời tổng thống Hàn Quốc.
Báo Korea Herald ngày 1-11 dẫn kết quả thăm dò cho thấy tỉ lệ tín nhiệm của bà Park là 10,4%, thấp hơn nhiều so với mức 17,5% lúc vụ việc mới bị phanh phui. Riêng ở khu vực Seoul, tỉ lệ tín nhiệm dành cho bà Park ở mức đáng lo ngại là 8,3%.
“Đây là một ví dụ điển hình của nền tư bản bè phái” - ông Choi Jang-jib, giáo sư chính trị danh dự của ĐH Hàn Quốc, phát biểu với tờ Financial Times.
“Tổng thống Park rồi sẽ trở thành một “tổng thống vịt què” sớm hơn dự kiến vì bà ấy đã đánh mất niềm tin của công chúng” - ông Choi đưa ra dự đoán về tương lai.
Theo Korea Herald, nhiều chuyên gia chính trị tại các trường đại học hàng đầu Hàn Quốc đều không mấy lạc quan về tương lai chính trị của bà Park.
“Trong tình hình như hiện nay thì Tổng thống không thể nắm quyền được nữa. Bà ấy nên từ chức” - ông Yoon Peyeong-joong, giáo sư ngành triết học chính trị tại ĐH Hanshin, nhận định.
Bà Choi Soon-sil bật khóc trước Văn phòng công tố Seoul sáng 31-10. Ảnh: YONHAP
Chosun Ilbo, tờ báo nổi tiếng bảo thủ của Hàn Quốc, trong một bài xã luận gần đây cũng bày tỏ quan điểm của mình: “Vụ bê bối đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của bà Park trong khả năng điều hành nhà nước”.
Tờ báo kêu gọi Tổng thống Park hãy từ chức và đặt lợi ích của dân chúng lên đầu tiên: “Nhiều người cảm thấy xấu hổ vì bà ấy. Đã đến lúc từ chức rồi”.
Nhất quyết không từ chức
Các nghị sĩ của đảng đối lập Minjoo đã đề nghị mở một cuộc điều tra hình sự đối với bà Park, theo Korea Times.
“Hiến pháp Hàn Quốc quy định chỉ có một tổng thống nhưng hóa ra đất nước này lại đang có hai tổng thống” - Chủ tịch đảng đối lập Minjoo Choo Mi-ae nhận xét.
“Chúng tôi kêu gọi mở một cuộc điều tra hình sự bắt giữ tất cả nghi phạm liên quan đến vụ việc để thẩm vấn. Tổng thống Park cũng không thể ngoại lệ” - bà Choo nói.
Hãng CNN dẫn hiến pháp Hàn Quốc cho thấy quy định tổng thống đương nhiệm sẽ được miễn truy tố tội hình sự, ngoại trừ các tội danh như nổi loạn hay phản quốc.
Điều đó có nghĩa là bà Park sẽ không bị truy tố hình sự và những lời kêu gọi của các nghị sĩ đảng đối lập chỉ dừng lại ở mức luận tội.
Tuy nhiên, theo The Guardian, các chính trị gia đảng đối lập sẽ không đưa đất nước vào cuộc khủng hoảng chính trị với phiên luận tội kéo dài này của bà Park.
“Dù đảng đối lập có yêu cầu từ chức, bà Park có thể sẽ chỉ rời đảng Saenuri, đặc biệt là khi đảng này muốn tách khỏi sự ảnh hưởng của bà trong lần bầu cử tổng thống vào năm 2017 tới” - ông Victor Cha, cựu cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington, khẳng định.
Người dân Hàn Quốc thắp nến biểu tình yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Ảnh: CCTV
Theo Reuters, một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày sau đó nếu như Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ đảm nhận vị trí tổng thống trong một nhiệm kì năm năm.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng cả đảng đối lập và đảng cầm quyền vẫn chưa chuẩn bị cho một cuộc chạy đua đến sớm như vậy. Cuộc bầu cử theo đúng lịch sẽ diễn ra vào tháng 12-2017.
“Nếu như bà Park từ chức, các chính trị gia sẽ phải đau đầu vì họ đã nghĩ sẵn kế hoạch cho một năm tranh cử sắp tới” - ông Kim Man-heum, Chủ tịch Học viện Chính trị và lãnh đạo Hàn Quốc, nhận định.
Bà Park Geun-hye vẫn còn một năm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Theo tạp chí Fortune, điều mà giới phân tích quan tâm hiện tại là ai sẽ trở thành vị tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12-2017.
Một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời điểm hiện tại chính là Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.
Ông Ban từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc năm 2004-2006. Cũng theo Reuters, ông Ban Ki-moon có khả năng sẽ đại diện cho đảng cầm quyền Saenuri của bà Park nếu tranh cử tổng thống vào năm sau.