Tổng thống Duterte nêu phán quyết biển Đông trước LHQ, thách thức trực diện Trung Quốc

Hải Võ |

Trong lần đầu tiên đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có màn thách thức Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Al Jazeera đưa tin, ông Duterte đã nhấn mạnh chiến thắng pháp lý của Philippines trước Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) the Hague. Phán quyết do PCA đưa ra ngày 12/7/2016 đã bác bỏ hoàn toàn tính pháp lý của "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh lợi dụng để áp đặt yêu sách chủ quyền đối với hơn 80% diện tích biển Đông.

Trong đoạn video diễn văn được ghi hình từ Manila, Tổng thống Philippines gọi phán quyết của PCA "là một phần của luật pháp quốc tế, vượt qua phạm vi thỏa hiệp, cũng như nằm ngoài tầm với của các chính phủ nhằm làm lu mờ, hạ thấp hoặc từ bỏ nó".

"Chúng tôi kiên quyết phản đối những ý định làm suy yếu [phán quyết]."

Trong hơn 4 năm cầm quyền, đây là lần đầu tiên ông Duterte có bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ. Diễn văn ngày 23/9 của ông được đánh giá là có thái độ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay liên quan đến vấn đề biển Đông, trong khi nhiều tuyên bố trước đây của Tổng thống được cho là giảm nhẹ căng thẳng, để đổi lại những liên hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh trong kinh tế và địa chính trị.

Phát ngôn viên Phủ tổng thống Harry Roque nói rằng kể cả trước khi ông Duterte nêu phán quyết PCA trước ĐHĐ LHQ thì Philippines chưa bao giờ thay đổi lập trường đối với văn kiện này.

"Chúng tôi chưa bao giờ thay đổi lập trường về phán quyết. Tôi đã lặp lại điều này nhiều lần, rằng không gì có thể làm suy yếu quyết định đó," ông Roque nói, khẳng định Tổng thống Duterte "kiên định" với lập trường này.

"Đây là lần đầu tiên Tổng thống phát biểu trước ĐHĐ LHQ, do đó đây là lần đầu Tổng thống có cơ hội nói ra lập trường mà ông vẫn kiên định lâu nay." Roque cho hay ông Duterte cũng sẽ nêu phán quyết PCA nếu như ông có cơ hội phát biểu tại LHQ trong những năm trước.

Theo Al Jazeera, ông Duterte đang đối mặt với sức ép gia tăng trong nước đòi hỏi thách thức Trung Quốc, đặc biệt từ sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu Philippines trên biển Đông năm 2019 rồi bỏ mặc các thủy thủ trên biển, song song với việc Bắc Kinh tiếp diễn hành vi mở rộng trái phép các thực thể nhân tạo trên biển Đông.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng tốc bồi lấp, cải tạo và quân sự hóa phi pháp trên các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở biển Đông, nhằm tăng cường thực thi tham vọng áp đặt chủ quyền phi lý trên vùng biển này.

Sau khi thua kiện ở PCA, Trung Quốc nhiều lần đưa ra tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa quốc tế.

Những tháng gần đây, căng thẳng ở biển Đông đã gia tăng khi một số cường quốc - gồm Mỹ và Ấn Độ - điều động tàu chiến cùng các phương tiện hải quân tham gia tuần tra ở khu vực biển Đông, trong nỗ lực thách thức yêu sách phi pháp của Bắc Kinh, thực thi phán quyết của tòa The Hague và bảo đảm quyền tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế.

Cũng trong diễn văn ngày 23, Tổng thống Duterte nói ông hoan nghênh "ngày càng có nhiều quốc gia thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết và giá trị của nó - thắng lợi của lý trí trước sự hấp tấp, của luật pháp trước sự hỗn loạn, của hữu nghị trước tham vọng ".

Ông Duterte từng nêu phán quyết này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 8/2019, rằng phán quyết của PCA là "cuối cùng, ràng buộc và không thể thay đổi". Đáp lại, ông Tập nhắc lại lập trường của Bắc Kinh về phán quyết và khẳng định không thay đổi quan điểm.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại