Tổng thống Donald Trump lâm vào thế bí vì dự luật trừng phạt Nga

Phạm Hà |

Với số phiếu áp đảo, Hạ viện Mỹ ngày 25/7 nhất trí thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên.

Kết quả cuộc bỏ phiếu này được dự đoán sẽ đặt Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thế khó, khi vừa muốn cải thiện mối quan hệ với Nga nhưng cũng không thể bỏ phiếu phủ quyết dự luật vì sẽ vấp phải sức ép chính trị mạnh mẽ trong nước.

Với kết quả ít nhất 419 phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua các đòn trừng phạt nhằm vào 3 nước bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump.

Trong dự luật, Iran và Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt vì các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố. Còn nghị sĩ Mỹ quyết định siết chặt trừng phạt Nga bởi nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như vì hành động của Nga tại Ukraine và Syria.

Nghị sĩ Đảng Dân chủ Jaoquin Castro cho biết: “Dự luật này buộc chính phủ các nước Triều Tiên, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm cho những hành động gây mất ổn định của mình. Riêng trừng phạt nhằm vào Nga là thực sự cần thiết. Nga đã vi phạm luật quốc tế khi gây bất ổn Ukraine, can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ và châu Âu.

Các biện pháp trừng phạt này là một dấu hiệu rõ ràng Mỹ sẽ buộc Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm. Đây cũng là một tuyên bố cho thấy Quốc hội Mỹ có thể hành động, thậm chí Tổng thống từ chối thực hiện”.

Dự luật này là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều tuần qua do sự phản đối của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Với dự luật này, Chính phủ Mỹ cần phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn triển khai các bước đi nhằm nới lỏng trừng phạt.

Hiện Dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện Mỹ phê chuẩn trước khi trình Tổng thống Donald Trump kí thành luật. Theo dự đoán, dự luật này có thể được thông qua dễ dàng tại Thượng viện.

Việc cả hai viện của Quốc hội thông qua dự luật này sẽ đặt Tổng thống Trump vào thế khó. Sử dụng quyền phủ quyết đối với dự luật này sẽ khiến nhiều nghị sĩ tức giận, cho rằng Tổng thống Donald Trump đang đưa ra các hành động nhượng bộ Nga.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện cũng trùng thời điểm con rể ông Donald Trump điều trần trước Ủy ban tình báo về mối liên hệ giữa đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga. Tuy nhiên, nếu ông Donald Trump bỏ phiếu ủng hộ dự luật sẽ ảnh hưởng đến cách tiếp cận mang tính hòa giải bấy lâu nay của Mỹ với Nga.

Đề cập khả năng liệu Tổng thống Donald Trump có kí thành luật hay không, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: "Liên quan đến dự luật trừng phạt, Tổng thống bày tỏ ủng hộ tiếp tục các biện pháp trừng phạt nhằm vào 3 nước này. Ông không có ý định loại bỏ dự luật này. Tuy nhiên, ông muốn chắc chắn sẽ nhận được thỏa thuận tốt nhất có thể cho người dân Mỹ".

Theo giới quan sát, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump, dự luật này vẫn có thể trở thành luật, thậm chí khi ông bỏ phiếu phủ quyết, vì nó đã được thông qua tại cả hai viện Quốc hội với đa số phiếu ủng hộ.

Việc ông Donald Trump phải kí dự luật này sẽ tiếp tục là một bước lùi của ông trên cương vị Tổng thống Mỹ. Hiện dự luật về chăm sóc sức khỏe mới của Đảng Cộng hòa cũng đang bị “treo” tại Thượng viện do không nhận đủ số phiếu ủng hộ từ chính các nghị sĩ của đảng này.

Không chỉ đối mặt với sức ép chính trị trong nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của các bên liên quan, trong đó có Nga và Liên minh châu Âu.

Đòn trừng phạt mới đặc biệt nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác. Nhiều nước châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ bước đi của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ có bước đi đáp trả.

Theo các nghị sĩ Mỹ, dự luật đã được sửa đổi để cố gắng xoa dịu mối lo ngại của ngành năng lượng và các đồng minh châu Âu.

Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng tuyên bố, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương, làm phức tạp thêm nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai bên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại