Hôm 1/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép. Điều này đã khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp sử dụng nhôm, thép nói riêng và toàn thị trường chứng khoán Mỹ nói chung giảm điểm.
Không chỉ gây ảnh hưởng tại Mỹ mà ở Việt Nam, cổ phiếu của doanh nghiệp thép hàng đầu là Hòa Phát cũng bị nhà đầu tư bán tháo trong phiên giao dịch đầu tuần.
Cụ thể, trong phiên 5/3, giá cổ phiếu của Hòa Phát đã giảm hết biên độ 7%, với khối lượng giao dịch gần 12 triệu đơn vị. Đây là một trong số những phiên giao dịch lớn nhất từ trước đến nay của Hòa Phát.
Vốn hóa thị trường của Hòa Phát chỉ trong ngày hôm nay đã giảm gần 7.000 tỷ đồng (hơn 300 triệu USD), xuống dưới 93.600 tỷ đồng.
Người chịu ảnh hưởng lớn nhất hôm nay là vợ chồng ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát.
Theo tính toán, chỉ trong ngày hôm nay tài sản của ông Trần Đình Long đã bốc hơi gần 1.800 tỷ đồng, xuống còn 23.500 tỷ đồng. Ông Long đang nắm trong tay gần 382 triệu cổ phiếu của Hòa Phát, tương ứng tỷ lệ sở hữu hơn 25% và là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát.
Tương tự, tài sản của bà Vũ Thị Hiền, vợ của ông Trần Đình Long cũng giảm gần 510 tỷ đồng.
Tuy giá cổ phiếu giảm mạnh, nhưng theo đánh giá của CTCK Rồng Việt, dựa trên năng lực tiêu thụ của các nhà máy tôn thép nội địa nói chung và tỷ trọng của thị trường Mỹ trong cơ cấu xuất khẩu, việc Mỹ áp thuế sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép niêm yết.
Thậm chí, việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu cho thép Trung Quốc có thể là tin vui và là động lực cho sự phát triển theo chiều sâu của ngành thép nội địa.
Hiện nay, thị trường Mỹ hiện không chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép. Các doanh nghiệp này cho biết, do quy mô đơn đặt hàng, chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng không có lợi nên xuất khẩu sang Mỹ chỉ nhằm mục đích tìm hiểu thị trường và hỗ trợ đẩy sản lượng tiêu thụ.
Trong ngày đầu tiên hoạt động sau kỳ nghỉ Tết, Hòa Phát cho biết công ty đã nhận đơn hàng xuất khẩu 15.000 tấn thép sang Mỹ.