Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chống biến đổi khí hậu là một mệnh lệnh đạo đức, kinh tế. Ảnh: Reuters
Tổng thống Biden ra tuyên bố trên trong phiên họp về "hành động và đoàn kết" với các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đối khí hậu (COP26) ở TP Glasgow – Scotland.
"Tôi nghĩ tôi không nên xin lỗi. Nhưng tôi thực sự xin lỗi vì Mỹ, dưới thời người tiền nhiệm của tôi, đã rời khỏi Thỏa thuận Paris" – ông chủ Nhà Trắng nói.
Tổng thống Biden còn hối thúc các nước phát triển hành động tích cực hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển chống khủng hoảng khí hậu.
"Chúng ta đang đứng trước một thời điểm bước ngoặt trong lịch sử thế giới" – Tổng thống Biden khẳng định, đồng thời nhấn mạnh chống biến đổi khí hậu là một "mệnh lệnh đạo đức" và một "mệnh lệnh kinh tế".
Nhà Trắng ngày 1-11 đã triển khai "Kế hoạch thích ứng và phục hồi của tổng thống" (PREPARE) - một sáng kiến của "toàn chính phủ" nhằm ngăn chặn khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Tổng thống Biden hy vọng thông qua sáng kiến này, Mỹ đến năm tài chính 2024 có thể viện trợ 3 tỉ USD/năm cho các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính quyền cựu Tổng thống Trump chính thức rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris vào năm 2020 vì cho rằng những điều khoản của thỏa thuận này không công bằng với Mỹ.
Cùng với những hành động như rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, quyết định nêu trên của chính quyền cựu Tổng thống Trump đã khiến quan hệ giữa Washington và các đồng minh căng thẳng.
Tổng thống Biden đã cam kết hồi sinh các mối quan hệ đối tác toàn cầu này và ưu tiên ngoại giao. Trong ngày đầu trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã ký hàng loạt sắc lệnh, bao gồm đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris.
Tại COP26, hơn 100 lãnh đạo thế giới cam kết chi tổng cộng 19 tỉ USD để bảo vệ và phục hồi rừng. Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 1-11, hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới cam kết chi tổng cộng 19 tỉ USD để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng phá rừng cũng như xói mòn đất đến cuối thập kỷ này.
Tuyên bố chung tại COP26 đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Brazil, Indonesia và CH Congo – những nước chiếm tổng cộng 85% diện tích rừng trên thế giới, theo Reuters.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tại Glasgow về Sử dụng đất và rừng sẽ bao phủ tổng cộng hơn 33,6 triệu km2 - văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết thêm.