Tổng thống Biden dùng quan điểm "nước Mỹ trên hết" trong cuộc đua vaccine COVID-19

Hoài Thanh |

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ chiếm hơn 1/4 tổng số liều vaccie đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seattle, Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seattle, Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết quả này là nhờ vào chiến lược cả ông Trump và ông Biden cùng theo đuổi: Vận dụng điều luật có từ hơn 70 năm trước về hạn chế xuất khẩu, nhằm đẩy nhanh tiêm chủng trong nước.

Kể từ thời điểm Cơ quan quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine của Pfizer và Moderna, Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump và sau đó là Joe Biden đều tiến hành đặt mua lượng vaccine do các công ty sản xuất tại Mỹ từ nhiều tháng trước đó. Các quốc gia không có năng lực sản xuất vaccine phải chờ đợi, hoặc tìm kiếm nguồn cung ngoài Mỹ, như vaccine của Nga hay Trung Quốc.

Đến thời điểm hiện nay, Mỹ đã tiêm ngừa được cho hơn 146 triệu liều, nhiều gấp đôi so với Liên minh châu Âu (EU). Chiến dịch tiêm chủng được triển khai nhanh chóng là nhờ các hợp đồng kèm điều khoản buộc các nhà sản xuất vaccine trong nước phải ưu tiên cung ứng cho nhu cầu của Mỹ trước tiên, mà thực chất là một hình thức cấm xuất khẩu dù giới chức Nhà Trắng tuyên bố không có quy định cấm chính thức nào. Đổi lại, các công ty dược nhận được sự hỗ trợ quan trọng đối với nguồn cung đầu vào cho sản xuất.

Cách tiếp cận theo đường hướng dân tộc chủ nghĩa này của ông Trump và ông Joe Biden bị một số đồng minh và chuyên gia y tế công chỉ trích mạnh. Nhưng các nước khác cũng sắp được hưởng lợi. Lý do là Mỹ đang dần hoàn tất mục tiêu tiêm ngừa cho người dân trưởng thành vào mùa hè tới và chỉ trong một thời gian ngắn có thể sẽ trở thành nước xuất khẩu vaccine lớn nhất thế giới. Sau khi cung ứng đủ cho nhu cầu trong nước, các công ty dược của Mỹ sẽ chuyển hướng ra nước ngoài.

“Nước Mỹ trên hết” trong cuộc đua tìm kiếm, tiêm chủng vaccine

Cả ông Biden và Donald Trump đều không ngần ngại tuyên bố mục tiêu ưu tiên tiêm chủng cho người dân Mỹ trước hết. Ông Trump là người thông qua “chiến dịch vaccine thần tốc” (Operation Warp Speed, OWS), chi hàng tỉ USD cho mục tiêu nghiên cứu, phát triển, phân phối vaccine phục vụ người dân Mỹ, với luận điểm tiền nộp thuế khiến người dân Mỹ xứng đáng là đối tượng được ưu tiên trước.

“Chúng tôi không muốn bỏ ra hàng tỉ USD tiền thuế của người dân để rồi thấy rằng Mỹ lại xếp hàng thứ hai, thứ ba trong danh sách được tiếp cận vaccine mà chúng tôi đầu tư”, Paul Mango, cựu quan chức tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (DHHS) dưới thời ông Trump từng nêu quan điểm khi đề cập đến quyết định của Nhà Trắng trong chương trình vaccine COVID-19.

Chính quyền Donald Trump định ra các điều khoản nghiêm ngặt trong hợp đồng ký với các hãng nghiên cứu, phát triển vaccine, đồng thời sử dụng cả các quy định của Luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) cho phép Tổng thống có quyền lực đặc biệt về huy động nguồn lực sản xuất nhằm mục đích ưu tiên cho các đơn hàng của Mỹ. “Chúng tôi chuyển tiền cho họ [các công ty dược] ngay ở thời điểm họ còn chưa cho ra sản phẩm”, ông Mango nói về cách thức thực hiện của OWS.

Dưới thời ông Joe Biden, giới chức phụ trách chương trình tiêm chủng vaccine không nói thẳng như Paul Mango. Nhưng quan điểm gần như không có sự thay đổi. Tổng thống Biden không rút lại sắc lệnh của người tiền nhiệm về khẳng định Mỹ đứng ở vị trí thứ nhất trong tiếp cận vaccine được sản xuất trong nước, kế đến mới là đồng minh. Để giữ vaccine ở lại nước Mỹ, chính quyền ông Biden cũng vận dụng một điều khoản khác của PDA, cho phép xác định Mỹ có được các hợp đồng “ưu tiên” so với các nước khác.

Cách tiếp cận của Mỹ đối lập với EU - khu vực cho phép xuất khẩu vaccine, kể cả là sang Mỹ, ngay cả khi EU vẫn phải vất vả tìm kiếm nguồn cung để tiêm ngừa cho người dân. Nhưng đối diện với chỉ trích cho rằng chương trình tiêm chủng của EU trì trệ, bị Mỹ, Anh bỏ xa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây cũng đã đề xuất cơ chế quyền lực khẩn cấp tương tự như cách làm của Mỹ, để giữ vaccine ở lại, phục vụ châu Âu trước tiên.

Tổng thống Biden dùng quan điểm nước Mỹ trên hết trong cuộc đua vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế Maimonides ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Liền sau đó, EU công bố quy định mới về kiểm soát mua bán vaccine, không chấp nhận cấp phép xuất khẩu nếu như nhà sản xuất chưa thực hiện đủ cam kết với EU.

Sau khi ông Biden lên nhậm chức, Nhà Trắng ký ngay một hợp đồng mới, đặt mua của Moderna và Pfizer mỗi đầu mối 100 triệu liều. Đầu tháng này, ông Biden tuyên bố đàm phán hợp đồng mua 100 triệu liều của Johnson&Johnson. Tính cả hai đời Tổng thống, Mỹ đã đặt mua lượng vaccine nhiều gấp hai lần lượng cần thiết để tiêm ngừa cho toàn bộ dân số.

Nhà Trắng không cho biết liệu có lượng vaccine nào sản xuất tại Mỹ được dùng cho xuất khẩu hay không. Nhưng các điều khoản hợp đồng và chuyển giao đến nay đều cho thấy, gần như toàn bộ sản lượng vaccine nội địa đều được chính quyền liên bang bao tiêu hết.

Lý giải về tình trạng này, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Jen Psaki cho biết Mỹ cần tích trữ vaccine đề phòng trường hợp giới khoa học khuyến cáo phải tăng thêm liều vaccine để chống lại biến thể SARS-CoV-2 mới, cũng như việc FDA chấp thuận cho phép tiêm chủng ở trẻ em.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại