Bức tranh kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của các ngân hàng đang dần rõ hơn. Trái với "gam màu" sáng đồng đều cả hệ thống trong năm 2018, sự phân hóa sang năm 2019 thể hiện rõ rệt.
Trong khi những ngân hàng lớn và một số ngân hàng tầm trung tăng trưởng nhanh, thậm chí một số đã cạn room tín dụng thì những ngân hàng nhỏ loay hoay tìm chỗ đứng, quy mô đã nhỏ lại càng nhỏ. Nhiều ngân hàng trong số đó thậm chí có tổng tài sản sụt giảm trong 6 tháng đầu năm.
Tại PGBank, tổng tài sản cuối tháng 6/2019 là 28.211 tỷ đồng, giảm 4,9% so với hồi cuối tháng 3 và so với hồi đầu năm đã giảm tới 5,6%.
Cho vay khách hàng tại ngân hàng này chỉ tăng vỏn vẹn 1,2% trong 6 tháng tức giải ngân thêm hơn 250 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng chỉ đạt 22.080 tỷ đồng. Huy động tiền gửi cũng giảm tới 7,8% xuống c òn 21.519 tỷ đồng.
Trong khi hoạt động tín dụng tăng trưởng thấp, tiền gửi tại NHNN của ngân hàng này đã giảm tới 70% xuống còn 580 tỷ đồng. Và đây là nguyên nhân chủ yếu khiến tổng tài sản sụt giảm.
Quy mô không tăng trưởng, kết quả kinh doanh của PGBank cũng trở nên èo uột trong thời gian chờ đợi sáp nhập với HDBank. Lợi nhuận trước thuế của nhà băng này chỉ đạt 94 trong 6 tháng, giảm 5% so với cùng kỳ do thu nhập lãi thuần giảm, chi phí dự phòng lại tăng mạnh.
Ở NCB, tăng trưởng tín dụng cũng ở mức rất thấp chỉ đạt 1,6% trong 6 tháng đầu năm. Và tương tự như ở PGBank, việc giảm tiền gửi tại NHNN 69% khiến tổng tài sản của ngân hàng giảm 2,4%.
Kết quả lãi ở các mảng kinh doanh của NCB chìm trong "sắc đỏ" khi thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động của nhà băng chỉ đạt 463 tỷ đồng, giảm tới 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro, NCB vẫn có lãi 6 tháng đầu năm đạt 21 tỷ, tăng 32% so với cùng kỳ.
VietABank cũng sụt giảm tổng tài sản 4,1% trong 6 tháng đầu năm mặc dù cho vay khách hàng vẫn tăng trưởng 7,4%. Lý do là vì tiền gửi tại các TCTD khác và cho vay các TCTD giảm mạnh 29% xuống còn 10.905 tỷ.
Ở kết quả kinh doanh, LNTT trong 6 tháng đầu năm của ngân hàng cũng giảm 19% chỉ đạt 89 tỷ đồng. Thu nhập từ lãi thuần sụt giảm 15%, còn các mảng kinh doanh khác cũng không mấy khả quan: hoạt động dịch vụ bị lỗ, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán có lãi không đáng kể.
Không đến mức sụt giảm nhưng nhiều ngân hàng cũng tăng trưởng quy mô tổng tài sản rất chậm. Chẳng hạn, tổng tài sản ở ABBank chỉ tăng 1,2% trong nửa đầu năm do cho vay khách hàng giảm tới 5,1%. Saigonbank có tổng tài sản chỉ tăng thêm 917 tỷ tương đương 4,5% lên 21.291 tỷ đồng; cho vay khách hàng ở ngân hàng này cũng chỉ tăng 3,8%.