Hành khách đang làm thủ tục cho chuyến bay số hiệu QH9732 tại sân bay quốc tế Nội Bài vào ngày 6-12-2022, chuyến bay thẳng đầu tiên của Hãng Bamboo Airways từ Hà Nội đi Thiên Tân (Trung Quốc) - Ảnh: QH
Đó là nhận định của Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM NGỤY HOA TƯỜNG trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền của báo Tuổi Trẻ về chính sách mở cửa của Trung Quốc cũng như quan hệ kinh tế và thương mại Việt - Trung trong thời gian tới.
Đã mở rồi thì không đóng lại
* Hiện nay Trung Quốc đã chính thức mở cửa. Quy định xuất nhập cảnh và vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc thay đổi ra sao, thưa ông?
- Qua ba năm chống dịch, các nước trên toàn cầu đã là một cộng đồng chung vận mệnh. Kiên trì với nguyên tắc tính mạng và nhân dân là trên hết, Trung Quốc đã nới lỏng một số chính sách về đi lại, xuất nhập cảnh đối với người Trung Quốc và người nước ngoài. Từ 8-1, người dân có thể đi lại bình thường qua hàng không và đất liền, chỉ cần có báo cáo xét nghiệm COVID-19 trong vòng 48 tiếng.
Trên đường bộ, người dân Trung Quốc và Việt Nam đã đi lại qua cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn hoặc cửa khẩu Đông Hưng ở Quảng Tây (Trung Quốc). Về hàng không, mức giới hạn mỗi tuần một chuyến bay và số lượng hành khách trên chuyến cũng đã bị loại bỏ.
Về hàng hóa, trong thời kỳ kiểm soát dịch bệnh, chúng tôi đã kiên trì nguyên tắc cho phép hàng hóa vận chuyển bình thường, chỉ tạm dừng xuất nhập cảnh với người dân.
Hiện nay đã có một số biện pháp như xóa bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với một số hàng đông lạnh và không đông lạnh. Các cửa khẩu cũng bỏ việc quản lý khép kín, các tài xế và nhân viên cũng không cần xét nghiệm mỗi ngày.
Xe tải của nước này có thể lái qua cửa khẩu nước kia và nhân viên, tài xế có thể trực tiếp lái xe tải qua một số sân bãi để chuyển giao hàng hóa. Một số công ty đại lý hàng hóa cũng có thể trực tiếp làm thủ tục tại cửa khẩu.
Các biện pháp trên sẽ giúp giảm giá vé cho người dân, giảm chi phí hậu cần, từ đó giảm giá thành và tăng số lượng hàng hóa.
Ông Ngụy Hoa Tường - Ảnh: HỮU HẠNH
* Có một số lo ngại về khả năng Chính phủ Trung Quốc phải đóng cửa trở lại nếu số ca bệnh gia tăng. Theo ông, Chính phủ Trung Quốc sẽ ứng xử thế nào trước các tình huống ấy?
- Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề này. Hiện Bộ Y tế Trung Quốc xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp hai. Chúng tôi không phải không phòng chống, mà giờ sẽ quản lý theo cấp hai với tính toán tổng thể, kiên trì vì nhân dân, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa đảm bảo kinh tế ổn định và phát triển.
Vì vậy, chính sách lần này cũng dựa trên những suy xét hiệu quả và thực tế đại đa số người dân Trung Quốc đã được tiêm phòng. Ví dụ như người nhà chúng tôi cũng có người mắc COVID-19 sau khi chính sách thay đổi, nhưng phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Mẹ tôi 77 tuổi nhưng khi mắc COVID-19 chỉ bị sốt một ngày, sau đó hồi phục rất tốt. Điều này chứng tỏ việc phòng chống dịch của Trung Quốc hiệu quả và việc điều chỉnh chính sách đã dựa trên nền tảng khoa học hiệu quả. Nói cách khác, hiện nay trọng tâm của công tác phòng chống đã chuyển sang mục tiêu tránh bệnh nặng. Tỉ lệ tử vong vẫn rất thấp.
Chúng tôi cho rằng những biện pháp và chính sách của chúng tôi đã hiệu quả, và đã mở cửa thì tuyệt đối không đóng cửa trở lại. Chúng tôi có lòng tin và năng lực để đảm bảo an toàn cho người dân.
Dữ liệu: Nhật Đăng - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Nắm cơ hội hợp tác mới
* Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có thể chuẩn bị gì để đón cơ hội từ việc kết nối thương mại, đầu tư sau khi Trung Quốc mở cửa?
- Tôi cho rằng các doanh nghiệp hay chính quyền địa phương đã luôn có sự chuẩn bị. Ví dụ cuối năm ngoái TP.HCM có đối thoại hữu nghị với các thành phố kết nghĩa. Thật vui khi TP.HCM có kế hoạch nâng cao hiệu quả công vụ và tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh trong năm 2023. Thành phố cũng tiến hành nhiều hoạt động sáng tạo như bình chọn 100 sự kiện thú vị, 10 điểm du lịch thú vị... Việc các hãng bay mở thêm chuyến cũng là một sự chuẩn bị.
Chúng tôi cho rằng quan trọng là đơn giản hóa thủ tục, ví dụ thị thực và thông quan, công bố rõ ràng tiêu chuẩn thu phí ở cửa khẩu, đặt biển tuyên truyền có tiếng Trung để nhắc nhở khách Trung Quốc.
Để thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam, có thể tăng cường về pháp luật, tư vấn đầu tư... và cần một cơ quan hoặc các tổ chức hỗ trợ tư vấn. Đây là điểm quan trọng để doanh nghiệp tìm hiểu pháp luật, quy trình, môi trường đầu tư Việt Nam.
Du lịch Việt Nam cũng có thể khám phá các sản phẩm có chiều sâu, tận dụng môi trường sinh thái và phong cảnh của Việt Nam. Ngắm cảnh chỉ là một mặt, chúng ta còn có thể dẫn du khách đến nông trại của Việt Nam, tự hái trái cây để thưởng thức.
Để thúc đẩy thương mại và đầu tư, việc tăng cường hợp tác, giao lưu, học hỏi lẫn nhau cũng là giải pháp tốt. Cách đây 10 năm, nông sản của Sơn Đông một phần bị trả lại, một phần phải bán với giá thấp do không đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chúng tôi áp dụng biện pháp thành lập khu thí điểm về an toàn chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tức là dùng tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc để cải thiện các bước như trồng trọt, vận chuyển và chế biến.
Đây cũng là quá trình buộc nền nông nghiệp Sơn Đông chuyển đổi và nâng cấp. Tiêu chuẩn nông sản thực chất là phản ánh nhu cầu của thị trường.
Sau cùng, thanh toán điện tử cần được lưu ý. Tôi biết hiện nay phương thức thanh toán bằng tiền điện tử của Việt Nam cũng đang phát triển rất nhanh. Sau khi thúc đẩy chi trả bằng tiền điện tử, tôi tin khách Trung Quốc đến mua sắm sẽ tiện lợi hơn.
Những giải pháp trên thực ra cũng chỉ dựa trên nền tảng sẵn có của Việt Nam.
* Phía Trung Quốc kỳ vọng và dự báo thế nào về thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc trong quý đầu tiên và cả năm 2023, thưa ông?
- Về xu hướng và đà phát triển, tôi tin rằng kim ngạch thương mại bất kể trong quý 1 hay cả năm 2023 chắc chắn sẽ giữ đà tăng trưởng.
Dựa trên việc điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh và tạo thuận lợi cho chính sách thông quan, tôi cho rằng trong thời gian tới tốc độ tăng trưởng sẽ rất rõ nét. Các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên cũng sẽ ngày càng rộng hơn.
Về sản phẩm công nghiệp chế tạo cũng như nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, tôi tin sẽ có sự gia tăng không chỉ về số lượng mà còn chất lượng. Rõ ràng với việc kết nối trên đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt đang được thúc đẩy, tôi tin đây sẽ là cơ sở vững chắc để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
PV: Xin cảm ơn ngài Tổng lãnh sự.
Tăng cường chuyến bay từ TP.HCM tới Trung Quốc
Tổng lãnh sự Trung Quốc Ngụy Hoa Tường bày tỏ vui mừng khi thấy các chuyến bay từ TP.HCM đến các thành phố của Trung Quốc đang được tăng cường. Ông lấy ví dụ vào tháng 9-2020, mỗi tuần chỉ có một chuyến từ TP.HCM tới Quảng Châu, nhưng hiện nay mỗi tuần đang có 13 chuyến tới các thành phố Trung Quốc.
"Trong tháng 2, Hãng Phương Nam Trung Quốc (China Southern Airlines) sẽ khôi phục mỗi ngày một chuyến từ TP.HCM sang Quảng Châu, Hãng Phương Đông (China Eastern Airlines) sẽ có mỗi tuần ba chuyến từ TP. HCM đi Thượng Hải và hai chuyến từ TP. HCM đi Côn Minh", ông nói.