Một chiếc cốc được làm từ thứ nhựa mới.
Nhựa đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại cũng như các dây chuyền sản xuất đồ thiết yếu cho cuộc sống, tuy nhiên việc tái chế nhựa tốn kém, bản thân nhựa lại có thể gây ô nhiễm nặng đã khiến thứ vật chất thay đổi thế giới này không còn được sủng ái (tuy vẫn được sử dụng rộng rãi).
Một loại nhựa mới được làm từ DNA và dầu thực vật có thể thay đổi tất cả. Quá trình sản xuất ra nhựa cần ít năng lượng, mà thành phẩm cuối cùng lại dễ phân hủy hoặc tái chế.
Nhựa truyền thống có hại cho môi trường bởi chúng cấu thành từ hóa chất có nguồn gốc dầu thô và không tái chế được. Quá trình sản xuất cần nhiệt lượng lớn và hóa chất độc hại, bên cạnh đó quá trình phân hủy có thể kéo dài tới nhiều trăm năm. Hoạt động tái chế nhựa vẫn còn chưa hiệu quả, khiến rác thải nhựa làm ô nhiễm cả đất và nước.
Những loại nhựa mới, được tổng hợp từ thực vật, ngày một đại trà do khả năng phân hủy tốt. Tuy nhiên, quá trình sản xuất những loại nhựa từ rong biển hay bột bắp đều tốn nhiều năng lượng.
Để khắc phục khó khăn, nhóm nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân, dẫn đầu là giáo sư Dayong Yang đã phát triển một loại nhựa tiên tiến nhằm khắc phục vấn nạn trên. Bằng cách gắn những chuỗi DNA ngắn với chất hóa học chiết xuất từ dầu thực vật, nhóm tạo ra được một vật liệu mềm và dẻo. Được biết, số DNA được lấy từ tinh trùng của cá hồi.
Ông Yang và cộng sự đã thử đổ vật liệu mới vào khuôn, đặt vật liệu trong môi trường lạnh để hút kiệt nước, nhằm đông cứng tổ hợp chất lại thành nhựa. Bằng thứ nhựa mới, nhóm đã thử chế tạo một số đồ vật nhiều hình dáng, và đạt được những kết quả khả quan.
Đặt những vật liệu làm từ nhựa mới vào nước, vật thể sẽ chuyển về trạng thái dẻo và có thể được đưa vào khuôn lần nữa. Có vẻ quy trình tái chế nhựa diễn ra dễ dàng.
“Điều tôi thích ở loại nhựa này là bạn có thể phân giải nó rồi làm lại từ đầu”, nhà nghiên cứu Damian Laird công tác tại Đại học Úc nhận định. “Đa số các nghiên cứu tập trung vào việc phát triển nhựa sinh học có khả năng phân hủy, nhưng nếu chúng ta muốn tạo thành một nền kinh tế vòng tròn khép kín, chúng ta nên tái chế chúng nữa để không bị phí vật liệu”.