Open Talks nằm trong chuỗi hội thảo CEO Forum là một sáng kiến từ IBP dựa trên tư duy tạo ra một không gian trao đổi cởi mở, thẳng thắn cho cộng đồng CEO, cộng đồng doanh nhân quan tâm đến vấn đề thời sự và có ảnh hưởng dài hạn đến nền kinh tế của Việt Nam.
Sự kiện được thực hiện dưới sự hợp tác của Công ty Cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP (Investment and Business Partners - IBP), Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM (YBA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp (BSSC) và Công ty Truyền thông đa phương tiện S-World Multimedia.
Các diễn giả tham gia chương trình
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Coop, đã chia sẻ những góc khuất của doanh nghiệp bán lẻ trong đợt bùng phát dịch vừa qua. Để tóm tắt ngắn gọn về quãng thời gian từ tháng 5 đến nay, CEO Saigon Co.op chọn cụm từ "quá nhanh, quá nguy hiểm".
Cuộc chạy đua gắng sức
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55%. Đây là một con số tích cực trong nền kinh tế nói chung và trong ngành hàng Bán lẻ - Dịch vụ nói riêng.
Tuy nhiên, tính trong 2 quý đầu năm 2021, "trận địa"chống Covid được ông Đức nhận định, nếu các doanh nghiệp du lịch như Vietravel phải dùng đến ECMO thì bản thân Saigon Co.op đôi lúc cũng cần đến ATM Oxy, dù là ngành bận rộn nhất trong mùa dịch.
"Thời gian qua là một cuộc chạy cực kì gắng sức. Chưa bao giờ chúng tôi giao ban toàn công ty mà phải làm hàng ngày. Nhịp độ quá nhanh, ngày hôm sau chưa kịp cảm nhận những quyết định của hôm trước thì mọi thứ đã thay đổi rồi nên chúng tôi cảm thấy quá nhanh và quá nguy hiểm", ông Đức chia sẻ tại Saigon Co.op, có những quyết định phải đưa ra ở thời điểm nửa đêm.
"Mọi người hay nói ngành bán lẻ, đặc biệt là mấy ông siêu thị bán hàng tiêu dùng thiết yếu thường sống khoẻ và có lời, nhận định đó có thể đúng với một số thị trường có tỷ trọng bán lẻ hiện đại ở mức cao trong tổng thương mại. Như Singapore và một số thị trường phát triển, nếu chợ truyền thống có đóng thì không sao.
Nhưng với thị trường Việt Nam, khi thương mại hiện đại chỉ chiếm 22-25% thị phần, khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng thì thương mại hiện đại lúc này sẽ gồng gánh tất cả mọi khó khăn trong chuỗi cung ứng.
Hành vi mua sắm thay đổi, cấu trúc hàng hoá thay đổi sẽ tạo áp lực lên thương mại hiện đại. Chúng ta biết rằng, với hàng thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu thì siêu thị hiện đại thường bán không lợi nhuận, càng bán thì càng lỗ. Nguồn cung cấp lao động làm việc trong bối cảnh có hiểm nguy chầu chực cũng rất bấp bênh.
Có lúc chúng tôi phải đóng cửa ¼ siêu thị của mình nhưng chi phí vẫn phải tiếp tục gánh chịu, không có doanh thu, hoặc doanh thu cũng tạo nên lãi gộp rất thấp nhưng chúng tôi vẫn chọn giải pháp cùng đóng góp cho xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng để nuôi dưỡng bầu oxy trong tương lai tốt hơn", ông Đức chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Saigon Co.op nói riêng trong giai đoạn vừa qua.
Thực tế, trong thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt,…
"Trong vận hành SaigonCo.op cũng có sự hi sinh, một sự hi sinh không chỉ ở lực lượng lao động, chúngtôi cũng triển khai các giải pháp để nuôi dưỡng đội ngũ các doanh nghiệp cùng phát triển với mình.
Thời điểm bùng phát dịch,việc thay đổi các chính sách mỗi ngày khiến doanhnghiệp hiểu chỉ thị theocách khác nhau, việcphải dừng lại lấy hơi khác nhau tạo nên sự nguy hiểm cho lá phổi của mình.
Khi đó các doanhnghiệp kể cả có hàng hoá cũng không đưa đến siêu thị được. Lúc đó Saigon Co.op phải tổ chức, bán tồn kho hết nếu không có hàng hoá cung ứng thì phải tìm giải pháp khác để đảm bảo nhịp thở ở mức thấp nhưng vẫn thở đều", ông Đức cho biết.
Đối với ngành hàng Bán lẻ và Dịch vụ, trong thời gian dịch bệnh diễn ra, Saigon Co.op vẫn nỗ lực cung ứng hơn 2.000 tấn hàng hoá mỗi ngày tại gần 1.000 điểm bán trực thuộc trên 44 tỉnh, thành trong cả nước và tiếp tục cung cấp trung bình gần 46.000 suất ăn mỗi ngày cho các khu cách ly tập trung tại TP.HCM.
Ngoài ra, còn phối hợp với hệ thống MTTQ Việt Nam Thành phố thực hiện các túi quà an sinh xã hội đến với các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
18.000 nhân viên, 1.300 F0, không ai phải nghỉ việc
Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ, hệ thống bán lẻ này có hơn 18.000 cán bộ, nhân viên nhưng trong giai đoạn 4 tháng qua không ai bị mất việc và lương không hề bị giảm.
"Phương châm của cá nhân tôi mong muốn duy trì một truyền thống, đây là mái nhà của mọi lao động nên việc sa thải hay không là do sự tự nguyện của người lao động nếu họ muốn tìm cơ hội khác. Thứ hai, chúng tôi đào tạo lực lượng này nếu họ vượt qua thời khắc khó khăn thì đó giống như việc tốt nghiệp thạc sĩ - họ sẽ đóng góp tốt hơn trong giai đoạn sau này".
Tuy nhiên, theo ông Đức, việc đội ngũ lao động không bị mất việc làm không đồng nghĩa với việc sẽ duy trì quỹ lương.
Tại Saigon Coop, trong 4-5 tháng vừa qua đã có sự dịch chuyển điều tiết thu nhập giữa gián tiếp và trực tiếp, để khuyến khích "những con người ra trận", thứ hai điều tiết một cách minh bạch rõ ràng và kỷ luật đối với người đi làm và không đi làm, những người bị cách ly ở nhiều thời điểm thì thang lương tối thiểu như thế nào, đều được quy định để điều tiết.
Thứ 3 là phần đóng góp và không đóng góp, làm việc tại nhà cũng có quy định cụ thể, thứ 4 là giữa thưởng và trừ, thậm chí có bộ phận lớn người lao động trong giai đoạn Covid có thu nhập cao hơn giai đoạn bình thường.
"Cho tới giờ này chúng tôi tự hào không ở đâu có chính sách như Saigon Coop đối với nhân viên bị nhiễm Covid, 18.000 con người có 1.300 cán bộ nhận viên bị F0 và những người này kể cả F0, F1 và người thân của họ cũng có chính sách cho việc nhiễm bệnh. Mấu chốt là chúng tôi không để người lao động bị mất việc, việc điều tiết quỹ lương là có, để phân phối lại cho những chiến binh thực sự ở mặt trận trực tiếp cao hơn", ông Đức cho biết.
Sự thay đổi trong giai đoạn mới
Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn sau thời gian giãn cách là điều khó tránh khỏi, và Saigon Co.op cũng không ngoại lệ. Ông Đức cho biết, khi một lượng lớn khách hàng đổ dồn về cùng một lúc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, và đây là điều mà Saigon Co.op lo ngại hậu giãn cách.
"Chúng ta thường nói về nguy và cơ trong giai đoạn vừa qua, có thể mọi người nhìn vào sẽ nói thời gian qua Saigon Co.op bán được nhiều và thu hút được một lượng lớn khách hàng cho tương lai, đó là tín hiệu tích cực, chúng tôi cũng ghi nhận sự tích cực đó, nhưng nó dẫn đến một số rủi ro cho tương lai.
Như tôi đã nói, thời gian qua Saigon Co.op phải chạy với cường độ quá cao khiến chúng tôi có những rủi ro về chất lượng sau giãn cách, đó là minh chứng cho thấy đôi khi số lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ngay cả với ngành bán lẻ", Tổng Giám đốc Saigon Co.op bày tỏ.
Ông Đức cho rằng, đại dịch cũng thúc đẩy doanh nghiệp đưa ra những giải pháp đột phá. "Có những việc tôi ấp ủ trong một thời gian dài trước đó không làm được cho đơn vị nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc mà cuối cùng đơn vị chạy theo hướng đó, 5 năm không làm được nhưng 3 tháng làm được".
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Đức cho biết đã có những đơn vị bỏ trận khi họ đặt lên bàn cân giữa câu chuyện lãi lỗ, trong khi đó những doanh nghiệp mang dòng máu Việt vẫn có động lực để hoạt động, khi họ sẵn sàng hi sinh lợi nhuận cho người tiêu dùng, phục vụ người tiêu dùng.
Qua cuộc khủng hoảng này, kinh nghiệm thế giới cho thấy các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ có ưu thế hơn so với các doanh nghiệp FDI. Bởi cấu trúc hàng hoá dịch vụ của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ khác.
Khái niệm siêu thị có nonfood và food, 50% có sự dịch chuyển xa hơn, yếu tố tâm lý của người tiêu dùng cũng khác, vận động của bán lẻ thương mại liên quan đền fresh và food nhiều hơn tạo nên sự phân hoá ở các kênh bán hàng khác nhau, trước đây offline thì giờ thành online.
Thứ ba, xu thế chung là số hoá trong hoạt động kể cả góc độ nhỏ.
Tổng giám đốc Saigon Coop kết luận, để vượt qua khó khăn thì doanh nghiệp cần có hành xử nhanh trong một sự tỉnh thức trong tâm thế sắp tới.