Tổng Giám đốc Công ty SJC: Không thao túng, làm giá vàng miếng!

Thái Phương |

Về chênh lệch giá vàng, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hoàn toàn "không hưởng lợi" và SJC không phải người thao túng hay làm giá, không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá vàng miếng trên thị trường.

Đây là thông tin được bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết tại cuộc họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước vừa diễn ra.

Theo Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước, bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc Công ty SJC, cho biết từ năm 2012, thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia.

Việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng... Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng.

"Vấn đề chênh lệch giá vàng thì công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. 

Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỉ đồng đến gần 400 tỉ mỗi năm tới giờ chỉ đạt 74 - 80 tỉ đồng lãi ròng" - bà Hằng giải thích.

 Tổng Giám đốc Công ty SJC: Không thao túng, làm giá vàng miếng!  - Ảnh 1.

Công ty vàng SJC khẳng định không thao túng, làm giá được vàng miếng SJC

Lãnh đạo SJC cũng cho hay công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của UBND TP HCM giao để có quỹ lương cho người lao động.

Hạn chế đầu cơ vàng

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. 

Việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội.

Về giá vàng trên thị trường, lãnh đạo SJC cũng khẳng định công ty không phải người thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Tất cả đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. 

Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường.

"Trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện" – lãnh đạo công ty SJC nói thêm.

Cũng theo bà Lê Thúy Hằng, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. 

Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Phát biểu kết luận buổi họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói rằng đối với câu hỏi chênh lệch giá vàng miếng SJC vào túi ai, có thể khẳng định là không có vào doanh nghiệp nào vì doanh nghiệp chỉ ăn chênh lệch mua vào bán ra. Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn.

Ngoài ra, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu như vậy. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại