CPI 6 tháng đầu năm 2016 có tốc độ tăng tương đối thấp, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,39%. Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu…
Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) đưa ra tại cuộc họp sáng nay 24/6.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 năm 2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,72%.
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tăng do chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước do giá xăng tăng 920 đồng/lít, dầu diezezen tăng 880 đồng/lít vào các ngày 20/5/2016 và ngày 4/6/2016, góp phần làm tăng CPI chung khoảng 0,27%.
Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,36% do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng về hiện tương cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung nên có phần dè dặt khi tiêu dùng sản phẩm cá đánh bắt, đã chuyển sang tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng dến diện tích rau trồng nên giá rau tăng cao kéo dài ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,03%.
Chỉ số giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14% do nhu cầu xây dựng năm nay tăng cao cùg với xu hướng giá nguyên liệu đầu vào thế giới tăng.
Chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,48% so với tháng trước do thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng.
CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,39%, bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, áp lực lạm phát dồn lên 6 tháng cuối năm 2016. Bởi giá y tế, giáo dục và xăng dầu sẽ tăng trở lại trong các tháng cuối năm.
Lạm phát cơ bản tháng 6 năm 2016 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,88% so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ tăng 1,8%.
Vì vậy, theo bà Ngọc, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường.
Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điểu chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan toả về mặt tâm lý lên CPI.
Cũng tại cuộc họp, bà Ngọc đánh giá tác động của Brexit - Quyết định Anh sẽ ra đi hay ở lại EU - gần như không tác động nhiều đến nền kinh tế của Việt Nam.
Bởi, nếu có ảnh hưởng thì các nước Châu Âu và Mỹ chịu nhiều hơn hoặc ở Châu Á, chỉ có các quốc gia phát triển như Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore.
Còn Việt Nam mặc dù tham gia ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP nhưng chưa hẳn đã hội nhập sâu rộng.
"Chắc chắn khi xảy ra sẽ có đánh giá nhưng Brexit không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế của chúng ta và vẫn phải chờ đợi", bà Ngọc khẳng định.