Thời điểm đó, Hứa đã 74 tuổi nhưng vẫn được chọn làm tổng chỉ huy phía Trung Quốc trong chiến tranh biên giới Việt -Trung 1979. Theo Phượng Hoàng (Hồng Kông), có ba lý do để Đặng Tiểu Bình đưa ra quyết định này.
Thứ nhất, biên giới phía Bắc Việt Nam tiếp giáp hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc). Quân đội Trung Quốc PLA khi tấn công vào Việt Nam, ngoài điều động quân khu Côn Minh thì binh lực chủ yếu cũng sẽ được huy động từ quân khu Quảng Châu. Khi đó, Hứa Thế Hữu đang là Tư lệnh quân khu Quảng Châu.
Truyền thông Trung Quốc cho hay, Đặng Tiểu Bình đánh giá cao Hứa Thế Hữu
Thứ hai, tác phong quân sự cứng rắn của Hứa được Đặng Tiểu Bình đánh giá cao.
"Sau mười năm trì trệ và hỗn loạn trong Cách mạng Văn hóa, quân đội Trung Quốc bị phá hoại rất nặng nề. Huấn luyện quân sự gần như giậm chân tại chỗ, có cách biệt rất lớn với tư duy quân sự tiên tiến quốc tế, thậm chí đến quân hàm và biên chế cũng lộn xộn.
Đối mặt với một đội quân chưa trải qua đào tạo huấn luyện, Hứa Thế Hữu là một ứng cử viên phù hợp nhất. Nếu tiến hành cuộc chiến này theo các quy tắc thông thường và không có cơ hội thành công, thì chỉ còn trông chờ vào sĩ khí cứng rắn", Phượng Hoàng (Hồng Kông) viết.
Thứ ba, Bắc Kinh cho rằng tình hình quốc tế cực kỳ bất lợi cho nước này bởi hầu hết các nước trên thế giới đều phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam.
"Theo thống kê của Tân Hoa Xã, trong cuộc chiến này, chỉ có hai nước ủng hộ Trung Quốc, hầu như không có quốc gia trung lập, đại đa số đều ủng hộ Việt Nam. Đến ngay cả nước Mỹ - nước vừa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, cũng yêu cầu Bắc Kinh rút quân.
Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh hy vọng một viên tướng lỗ mãng, tàn bạo nhưng cũng đã từng lập nhiều chiến công như Hứa có thể đè bẹp mọi tiếng nói bất lợi trong quân, thực hiện được âm mưu "đánh nhanh thắng nhanh" của họ để giảm bớt sự bất lợi do bị quốc tế phản đối.
Trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ, Hứa Thế Hữu tuy cục cằn thô lỗ, nhưng vẫn được đánh giá là một mãnh tướng, đã từng đánh thắng nhiều trận quan trọng. Theo tài liệu công khai, Hứa Thế Hữu bắt đầu tham gia Hồng quân từ năm 1925 và gia nhập vào quân đoàn 11 năm 1928.
Vào tháng 7/1933, Hứa giữ chức Phó Tư lệnh Quân đoàn 9 kiêm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25 Hồng quân Trung Quốc. Sau đó, Hứa giữ chức Phó tư lệnh, Tư lệnh Quân đoàn 4, Tư lệnh kỵ binh Hồng tứ phương diện quân.
Hứa Thế Hữu tham gia xây dựng khu vực căn cứ địa cho Hồng quân Trung Quốc tại các vùng Hà Bắc, Hà Nam, An Huy và tham gia các cuộc đấu tranh vây ráp quân đội Tưởng Giới Thạch ở Tứ Xuyên, Thiên Tây, Giang Tô - gọi tắt là Xuyên-Thiểm-Tô.
Đặc biệt, trong cuộc trường chinh vào cuối tháng 8/1935, quân đội của Mao Trạch Đông bị một đội quân của Quốc dân đảng bao vây tại Cam Nam, Cam Túc. Lúc này, Hứa Thế Hữu nhận mệnh lệnh dẫn một nhánh quân phản kích, giải vậy.
"Hứa Thế Hữu tiếp nhận mệnh lệnh, chỉ huy binh lính và giao chiến với địch trong hai ngày hai đêm, cuối cùng dũng mãnh dùng đao hạ gục quân địch trong 4 giờ đồng hồ. Kết quả, toàn bộ Sư đoàn của Hồ Tôn Nam bị tiêu diệt, đoàn quân của Hứa Thế Hữu chiếm được thị trấn quan trọng Bao Tọa, mở đường thoát lên phía Bắc cho toàn quân", tạp chí Đảng sử bác thái (Trung Quốc) mô tả về chiến dịch nổi tiếng Bao Tọa.
Nhờ những trận chiến như thế mà Hứa thăng tiến rất nhanh. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, ban đầu, Hứa giữ chức Tư lệnh quân khu Sơn Đông. Tháng 10 cùng năm, Hứa trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu PLA. Năm 1955, Hứa là 1 trong 55 tướng lĩnh Trung Quốc được phong hàm Thượng tướng.
Hứa Thế Hữu rất được Mao, Đặng coi trọng.
Tháng 9/1959, Hứa trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh, Bí thư thứ hai đảng ủy quân khu Nam Kinh. Cuối năm 1973, Hứa là Tư lệnh, Bí thư thứ nhất đảng ủy quân khu Quảng Châu.
Y là viên tướng được cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình coi trọng. Vào thời Cách mạng Văn hóa 1967, Hứa Thế Hữu bị đấu tố. Sự việc buộc Hứa phải đi lánh nạn và Mao Trạch Đông đã đích thân cử người đi đón.
Mao coi trọng Hứa một phần vì thành tích, phần khác là vì y cực kỳ trung thành với Mao."Trước Cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông từng nhiều lần hỏi Hứa: "Nếu Trung Quốc xuất hiện chủ nghĩa xét lại thì phải làm sao?". Hứa Thế Hữu khẳng định: "Xuất binh cần vương"
Còn Đặng coi trọng y vì Hứa chính là một trong số những người hoạt động tích cực nhất để khôi phục quyền lực cho ông ta sau Cách mạng Văn hóa.
Chọn một viên tướng tâm phúc như vậy chỉ huy cuộc tấn công xâm lược Việt Nam, Đặng Tiểu Bình hy vọng ông ta có thể hoàn thành kế hoạch mà ông ta gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học". Nhưng ông ta đã nhầm.
Rạng sáng ngày 17/2/1979, 9 quân đoàn chủ lực của Trung Quốc đã tấn công ồ ạt vào các tỉnh biên giới Việt Nam.
Trong đó, Hứa Thế Hữu chỉ huy hướng tấn công phía Đông với 6 quân sư đoàn gồm quân đoàn 41, 42, 43, 54, 55 và sư đoàn thiếu, dự bị bổ sung 149 thuộc quân đoàn 50 - thuộc quân khu Thành Đô.
Trước đó, vào sáng ngày 8/1, quân khu Quảng Châu đã hoàn tất công tác chuẩn bị chiến thuật với 4 tập đoàn quân hay còn gọi dã chiến quân, 3 sư đoàn pháo binh mặt đất và 3 sư đoàn pháo binh cao xạ và trung đoàn đường sắt, một trung đoàn thông tin liên lạc, một trung đoàn chống hóa chất, 13 trung đoàn không quân.
Ngoài ra, lính pháo cao xạ và tên lửa đất đối không Trung Quốc cũng đồng thời hoàn thành triển khai chiến thuật. Ngoài ra, hạm đội Nam Hải cũng đã tập hợp hơn 120 tàu chiến và hơn 170 máy bay chiến đấu tại các cảng ở phía Tây thị trấn Xuyên Đảo, tỉnh Quảng Đông.
Trang QQ (Trung Quốc) đưa tin, đội quân do Hứa Thế Hữu chỉ huy dự định sẽ chỉ cần 3-5 ngày để "tiêu diệt quân đội Việt Nam" ở khu vực phía Đông. Hứa từng ngông cuồng chỉ tay trên bản đồ và tuyên bố: "Toàn bộ đều là đồng bằng, xe tăng và đại pháo có thể phát huy được tác dụng nên chỉ cần hai giờ đồng hồ có thể tấn công đến Hà Nội".
Nhưng trên thực tế, đội quân này đã thất bại ê chề và phải rút quân về nước sau một tháng.
Theo đánh giá của một số nguồn thông tin Trung Quốc, dưới sự chỉ huy của Hứa, giai đoạn ngắn ngủi nhưng khốc liệt này được coi là cuộc chiến tàn nhẫn nhất của PLA. Ngày 1/3, khi tấn công ở Lạng Sơn, Hứa tuyên bố: "Sau cuộc tấn công vào sáng sớm nay, Lạng Sơn sẽ trơ trọi không còn một ngôi nhà nào".
10 điều lệnh khắc nghiệt của Hứa bị lên án mạnh mẽ.
Không chỉ tàn nhẫn với người Việt Nam, Hứa Thế Hữu còn ra tay tàn bạo ngay cả với lính dưới quyền. Khi chỉ huy tấn công xâm lược Việt Nam, Hứa ban hành trong quân của y một điều lệnh được gọi là "Thập sát lệnh" (tức 10 điều lệnh vi phạm sẽ bị giết).
"Đầu năm 1979, lực lượng của tôi bị vội vàng điều chuyển từ đồng bằng trung tâm tới biên giới Việt-Trung, tham gia tấn công Việt Nam. Khi tất cả tập hợp ở biên giới, Trương Thế Vĩ - một chỉ huy - đã tuyên bố mười điều kỷ luật chiến trường của Tư lệnh chiến khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu.
Khi đó, tôi là tiểu đội trưởng bộ binh. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in hầu hết nội dung của 10 điều lệnh đó:
Kẻ không xung trận, giết!
Kẻ sợ hãi bỏ trốn khi lâm trận, giết!
Kẻ làm lỡ dở cơ hội chiến đấu, giết!
Kẻ phản bội đầu hàng đối phương, giết!
Kẻ tiết lộ thông tin tình báo, giết!
Kẻ vi phạm kỷ luật chiến trường, giết!
…………
Giết bằng đao!
10 điều kỷ luật vang lên dứt khoát, không nấy một chữ thừa, [cảm giác] không còn đường lùi. Chỉ cần vi phạm 1 điều, anh sẽ chỉ còn đường chết. Hơn nữa còn bị "giết bằng dao".
Khi viên chỉ huy đọc Thập sát lệnh, toàn quân im lặng. Đến khi, trung đội trưởng hô khẩu lệnh: "Bên phải quay, chạy", thì các bước chạy đều trở nên lộn xộn hơn ngày thường. Tôi nghĩ, các binh sĩ vẫn đang bị sốc và chưa kịp bình tĩnh trở lại", một cựu binh chia sẻ với Xilu.
Được biết, ba điều lệnh còn lại là:
"Tù binh không không tuân thủ quy định, giết!
Tù binh bị thương nặng, giết!
Dân thường cản trở quân đội, giết!"
"Thập sát lệnh" tàn bạo này bị chính lính Trung Quốc phản đối, và nó cũng không thể giúp Hứa giành chiến thắng.
Thất bại nặng nề tại mặt trận phía Đông và điều lệ khắc nghiệt trên đã khiến Hứa bị chỉ trích mạnh mẽ. Dư luận Trung Quốc cho rằng, Hứa được trang bị đội quân lớn và mạnh hơn mặt trận phía Tây do Dương Đắc Chí chỉ huy nhưng lại thất bại và chịu phần tổn thất lớn hơn rất nhiều.
Sau khi tấn công vào Lạng Sơn và bị sa lầy ở đây, Hứa buộc phải rút quân về nước. Thời báo Hoàn cầu miêu tả, Hứa đã vô cùng tức giận và đến khi về nước thì không có bất cứ ai trong Bộ chính trị Trung Quốc ra đón.
Cuối cùng, Tập Trọng Huân - bố đẻ của Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình quyết định ra sân bay đón Hứa. Kết quả, vừa xuống máy bay, Hứa Thế Hữu trong cơn tức giận vì thua trận đã mắng mỏ, vung chân múa tay, đẩy ngã Tập Trọng Huân.
Thất bại của Bắc Kinh là điều được báo trước với một cuộc chiến phi nghĩa do nước này phát động.
Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 là cuộc chiến tranh quy mô lớn cuối cùng mà PLA tiến hành cho đến nay. Đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa và phía Trung Quốc thường tránh đề cập đến cuộc chiến này trong một thời gian dài.
Vào tháng 1/1988, Thượng tướng Trần Tích Liên, nguyên Tư lệnh Lực lượng pháo binh, nguyên Tư lệnh Đại Quân Khu Thẩm Dương, nguyên Tư lệnh Đại Quân khu Bắc Kinh, nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Hứa Thế Hữu trong cuốn sách "Trong nội bộ đảng cần có người lên tiếng, nói lên sự thật (tạm dịch)".
"Khi tuyên truyền, nên tránh thái quá, vừa phải thì được, nhưng khi tổng kết các cuộc chiến, chúng ta cần thực sự cầu thị, không nên sợ lãnh đạo mà cũng không nên sợ người đã mất [mà lảng tránh, bỏ qua sự thật].
Ví dụ, về mặt trận phía Đông trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, bây giờ nói kẻ điên Hứa Thế Hữu là càn quấy, mê muội, nói vậy có đồng chí nào phản đối không?
Ba quân đoàn, mười mấy sư đoàn, 60% là quân bộ binh cơ giới, khi tấn công sâu sang phía đối phương thì không thế đấu lại tuyến phòng ngự của họ, cuối cùng lại bị phản công, thảm bại.
Đây gọi là đánh trận kiểu gì vậy? Là vỡ trận, là trận đánh ngu xuẩn, hồ đồ! Nói câu khó nghe thì, có bị súng đạn trực tiếp bắn chết, cũng không oan".