Cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng
Sáng 20/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tại phiên họp, Bộ Chính trị đã nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch và những kết quả đạt được thời gian qua, dự báo sắp tới và một số kiến nghị, đề xuất.
Bộ Chính trị ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Cụ thể, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ dòng người vào từ vùng dịch, tổ chức cách ly kịp thời, hiệu quả, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và đã điều trị thành công cho 16 bệnh nhân.
Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất được các bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2, được công nhận và đưa vào sử dụng…
Sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, ý kiến của các Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc, đạt được những kết quả tích cực, được thế giới đánh giá cao, nhân dân tin tưởng, ủng hộ và tích cực tham gia.
Các cấp, các ngành, các địa phương đã nhanh chóng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bám sát tình hình, xây dựng các phương án, kịch bản, có nhiều cách làm hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.
Đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang… đã nỗ lực rất cao, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch, với mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý: "Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn". Trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh Covid-19 lây lan rộng, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất.
Với tinh thần tất cả cùng vào cuộc, "chống dịch như chống giặc", tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được vừa qua, làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng sợ hãi đến mức không dám làm gì. Bên cạnh việc chống dịch, còn nhiều công việc khác cần tập trung thực hiện.
Ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2020, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng…
Bởi vậy, cần tính toán phương án, có giải pháp cho lâu dài, tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch theo đúng tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp; chuẩn bị tốt cho việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thống nhất với nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc họp: cùng với chống dịch, cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân, nhất là vùng có dịch.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh.
Trước mắt, cần thúc đẩy đầu tư công trên cơ sở nguồn lực đã được bố trí để kích cầu, đồng thời bảo đảm nguồn lực dự phòng; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, chú trọng thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ…