"Tốn bao nhiêu tiền để vô được ngân hàng Agribank?"

Nguyễn Bạch Mi (Agribank Vị Thủy) |

Bạn bè, hàng xóm, người thân gặp tôi vẫn hỏi như vậy khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngoại thương nhưng tôi lại về quê và xin vào làm ở Ngân hàng Nông nghiệp.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của độc giả Nguyễn Bạch Mi đến từ Agribank chi nhánh Vị Thủy - Hậu Giang gửi tới cuộc thi viết Nghề Tài chính ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do CafeF phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức.

-----------------------

Tôi làm tín dụng!

Bước chân vào nghề khi mới vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp ra trường, tôi trở thành niềm vinh dự cho cả gia đình và sự ganh tị của các bạn cùng lớp khi tôi chẳng phải là con ông cháu cha, cha mẹ tôi cũng chẳng giàu có để có thể lo cho tôi một tấm vé vào nơi mà tôi hiện đang công tác ngày nay – Agribank Chi nhánh huyện Vị Thuỷ Hậu Giang.

Ấy vậy mà, thoáng chốc cũng đã gần 7 năm, kể từ ngày tôi làm theo mong muốn của cha mẹ là về quê xin vào làm ngân hàng Nông nghiệp dù rằng tôi chẳng biết gì về ngân hàng khi bằng Tốt nghiệp Đại học của tôi là chuyên ngành Ngoại thương. Nhiều khi ngồi suy ngẫm câu nói “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề” là vô cùng đúng.

Bạn bè, hàng xóm, người thân ai gặp tôi cũng hỏi cùng một câu hỏi: “Tốn bao nhiêu tiền mới xin vô được Ngân hàng vậy?”. Tôi chỉ mỉm cười rồi trả lời: “Năm chục, năm chục ngàn tiền mua hồ sơ xin việc và khám sức khoẻ” rồi bỏ đi mặc kệ người ta có tin tôi nói hay là không?

Có lẽ, thời buổi bây giờ cái gì cũng được định giá bằng tiền nên người ta không còn coi trọng cái gọi là năng lực nữa. Ai cũng nghi kỵ lẫn nhau, không phân biệt giỏi dở mà chỉ hơn thua nhau qua độ giàu nghèo. Nhưng với tôi, có lẽ ông trời đã ưu ái khi cho tôi được làm ở một nơi vẫn còn đánh giá con người qua năng lực làm việc.

Học chuyên ngành Ngoại thương, tôi mong muốn được làm Giao dịch viên mảng Ngoại hối nhưng lại được phân công làm cán bộ tín dụng - một thử thách không hề nhỏ vì tôi có biết làm tín dụng ra làm sao đâu?

Tôi còn nhớ, ngày anh ấy - Phó phòng tín dụng lên chức Trưởng phòng, để laị địa bàn cho tôi quản lý. Tôi bỡ ngỡ xen lẫn hãnh diện khi con gái mà được làm tín dụng là điều đầu tiên có ở Agibank Vị Thuỷ lúc bấy giờ.

Ngày bàn giao địa bàn, anh chở tôi trên chiếc xe máy đã theo anh hơn 10 năm rong ruổi trên các con đường làng, để rồi kể từ hôm nay những con đường này sẽ đón bước chân tôi, rồi chạy qua từng nhà, nói tên, dư nợ, tính cách từng khách hàng một cách say sưa, tỉ mỉ. Lúc đó tôi chỉ dạ và dạ dù thật lòng tôi không tài nào nhớ cho nổi.

Rồi anh dạy cho tôi nghiệp vụ tín dụng. Chỉ thế đó, hành trang bước vào đời tín dụng của tôi chỉ vọn vẹn thế thôi nhưng với tôi nó vô cùng quý báu mà suốt đời này tôi luôn mang theo. Với tôi, anh là thầy, là thần tượng mà tôi luôn muốn phấn đấu để noi theo – đủ tài đủ đức.

Trong cơ quan, lúc nào các chị giao dịch viên cũng ganh tị với tôi khi tôi luôn được các anh cùng phòng thương và chỉ dạy mọi thứ rất tận tình, chu đáo. Cũng phải, vì tôi là đứa con gái duy nhất và nhỏ bé nhất cả về thân hình lẫn tuổi tác lúc đó, vậy mà được làm tín dụng. Vì trong suy nghĩ của các chị là làm tín dụng sướng lắm, lúc nào cũng về sớm.

Nhưng các chị có khi nào hiểu rằng để có những ngày về sớm thì cũng có những ngày chúng tôi phải vừa dãi nắng dầm mưa ngoài đường đi thẩm đinh, đi xử lý nợ… rồi phải về cơ quan làm cả núi hồ sơ và xử lý hàng tá báo cáo, công việc không tên khác nữa mà quên rằng trời cũng đã về khuya, và có đôi khi đó còn là những ngày thứ bảy, chủ nhật không nghỉ.

Không biết tự bao giờ tôi lại yêu công việc tôi đang làm như thế, đó là tình yêu làm tôi có thể quên ăn quên ngủ, quên cả hẹn hò và những cuộc vui chơi bên bè bạn. Tôi không biết tôi gọi nó là tình yêu, là cái nghiệp hay cả hai thì sẽ đúng hơn?

Tình yêu của tôi thật kỳ lạ: tôi yêu những con cá, con heo, con gà, con vịt… Yêu những đám lúa vàng mùa trĩu hạt bên những chiếc máy cắt xập xình đang chạy…Đó là những thứ mà khách hàng tôi - những người nông dân có được sau bao ngày lao động vất vả.

Tôi vui theo niềm vui khi khách hàng được mùa trúng giá, tôi lo theo nổi lo khi thất mùa rớt giá…bởi vì nghề của tôi là vậy, là người đồng hành cùng họ trên bước đường làm giàu.

Cực khổ là thế nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại báo tin: “Mi ơi, vô nhà ăn mừng với chị, chị bán cá được rồi, giá cao có lời rồi cưng ơi, hay « Mi ơi, chú mới mua thêm cái máy cắt mới, ghé nhà chú chơi nghen con…” là bao mệt nhoài trong tôi như tan biến, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục bước trên con đường này. Đó là những ngày mà nghề ngân hàng còn phát triển!

Nhưng ngày nay, khi mà có hàng trăm ngân hàng cạnh tranh nhau mọc lên như nấm thì nghề tín dụng lại càng gian nan hơn! Ai làm tín dụng mà không phải chạy chỉ tiêu, chạy doanh số, phải rong ruổi, bất chấp trời mưa lẫn nắng để tìm kiếm khách hàng cho vay.

Rồi kinh tế suy thoái, khách hàng gặp khó khăn vì làm ăn thua lỗ, vì thế nợ xấu và rủi ro ngân hàng cũng ngày một tăng theo. Áp lực công việc lại càng tăng lên gấp bội.

Có những lúc, tôi gần như kiệt sức vì những mệt nhoài, lo toan, suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành tốt chỉ tiêu giao, những lúc đó tôi đã nghĩ rằng mình không thể nào chịu đựng được nữa, tôi muốn từ bỏ công việc mà tôi đã từng rất đam mê để tìm một công việc mới nhẹ nhàng, có thể yên tâm ngủ ngon sau một ngày làm việc mà không phải trăn trở, nghĩ suy mỗi đêm về.

Nhưng rồi tôi cũng chẳng thể nào bỏ được cái nghề ấy khi tôi chưa thể dứt tình đối với những khách hàng, những con cá, con heo… mà tôi đã gắn bó bao năm. Đó gọi là “nghiệp”, cái nghiệp mà tôi nghĩ rằng sẽ còn theo tôi mãi.

Nghề ngân hàng với tôi có lắm vinh quang và thử thách. Vinh quang trong sự tôn trọng và yêu mến của khách hàng, vinh quang trong sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp khi năm nào dự Đại hội cán bộ tôi cũng được lên nhận giải thưởng dành cho những cán bộ tín dụng có thành tích công tác tốt.

Thử thách khi phải đối đầu với muôn vàn khó khăn và rủi ro luôn tiềm ẩn mà không ai lường trước được. Nhưng đó là điều hiển nhiên khi không có con đường nào luôn trải đầy hoa hồng và cũng không có con đường nào luôn đầy chông gai.

Hoa hồng là những thành công mà ta gặt hái được khi đã làm việc bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết. Chông gai là những thách thức giúp ta rèn luyện chính mình để càng giỏi hơn, tốt hơn.

Và cũng chính cái nghề này mà đã làm thay đổi con người tôi, giúp tôi thêm mạnh mẽ, tự tin và bản lĩnh để có thể đối đầu với mọi thử thách trong cuộc đời mình.

Nghề nào cũng có vinh quang và thử thách của riêng nó nhưng tôi tin chắc rằng, chỉ cần bạn làm việc bằng tất cả trái tim thì con đường bạn đi sẽ luôn là hoa hồng, mọi khó khăn, thử thách sẽ không thể nào làm bạn chùn bước. Và các bạn thấy đấy, làm tín dụng đâu có khó lắm phải không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại