Chiến dịch sẽ tăng cường triển khai cảnh sát tại các nhà ga, toa tàu để nhận diện những kẻ biến thái, dán áp phích hướng dẫn nạn nhân cách xử trí khi bị sàm sỡ và giới thiệu Digi Police (Cảnh sát Digi), một ứng dụng điện thoại chống quấy rối nơi công cộng.
Cảnh sát Nhật Bản năm 2014 bắt 3.440 kẻ biến thái sàm sỡ phụ nữ trên tàu điện. Năm 2020, số vụ bắt giảm xuống còn 1.920, nhưng đa số phụ nữ Nhật vẫn ngần ngại trình báo khi mình là nạn nhân của chikan. Thống kê gần đây cho thấy khoảng 10% nạn nhân bị quấy rối tình dục trên tàu điện trình báo cảnh sát, số còn lại im lặng, chủ yếu là do xấu hổ.
Người dân ra vào tàu điện ở Tokyo, thủ đô Nhật Bản, ngày 8/7. Ảnh: AFP.
Giới quan sát cho rằng số vụ bắt chikan giảm mạnh vào năm 2020 chủ yếu vì lượng người tham gia giao thông công cộng thấp do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Họ lo ngại tình trạng quấy rối sẽ gia tăng thời kỳ hậu đại dịch, khi người dân di chuyển bằng tàu điện nhiều hơn.
"Đây là vấn đề rất khó ngăn chặn", Shinichi Ishizuka, giáo sư luật, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học (CrimRC) thuộc Đại học Ryukoku, Kyoto, nhận định. "Số vụ sàm sỡ đã giảm, song vẫn chưa về được con số 0. Tôi không nghĩ chúng ta có thể xóa sổ được vấn nạn đó".
Theo giáo sư Ishizuka, tâm lý của chikan xuất phát từ những năm tháng thành niên. "Đối với họ, sàm sỡ phụ nữ đem lại cảm giác quyền lực và gây nghiện", ông nói thêm. "Những người này tính toán rất kỹ lưỡng, họ coi việc quấy rối tình dục phụ nữ là một 'môn thể thao' hay 'thú vui', nhắm mục tiêu vào phụ nữ trên các chuyến tàu đông đúc ở Tokyo hay Osaka".
Emi Izawa, sinh viên 19 tuổi tại Tokyo, cho biết cô chưa từng bị quấy rối trên tàu điện, song điều này xảy ra với một người bạn thời trung học.
"Phụ nữ Nhật rất ngại thừa nhận họ bị sàm sỡ, nên luôn chọn giữ im lặng vì xấu hổ, hoặc đôi khi không biết kẻ sàm sỡ là ai và không chắc đó có phải là tai nạn nhỏ hay không. Chikan biết và lợi dụng điều này", cô nói.
Màn hình ứng dụng Digi Police chống quấy rối nơi công cộng tại Nhật Bản. Ảnh: AFP.
Để giúp các nạn nhân vượt qua nỗi ngần ngại này, giới chức Nhật đã phát triển ứng dụng Digi Police từ năm 2016. Tới nay đã có hơn 470.000 lượt tải về ứng dụng này.
Khi được người dùng kích hoạt, Digi Police sẽ hiển thị dòng chữ "Đang có vụ sàm sỡ. Xin hãy giúp tôi" lên màn hình điện thoại để nạn nhân có thể bí mật cầu cứu các hành khách xung quanh. Nếu không ai can thiệp, ứng dụng sẽ phát âm thanh "Hãy dừng lại".
Năm 2019, một ứng dụng khác tên Radar-Z cũng được ra mắt, cho phép người dùng chia sẻ thông tin về các vụ sàm sỡ, cũng như tích hợp tính năng kêu gọi giúp đỡ như Digi Police.
Ngoài ứng dụng điện thoại, trong Chiến dịch Triệt phá Chikan, TMPD sẽ bố trí các nữ cảnh sát mặc thường phục trên tàu để phát hiện kẻ sàm sỡ. Giới chức cũng tăng cường giám sát các nhóm chat trực tuyến, nơi chikan thường xuyên trao đổi thông tin về những tuyến tàu, nhà ga có nhiều nữ sinh để nhắm mục tiêu.