"Tôi tiếc vì bán đất quê 2,5 tỷ để mua nhà Sài Gòn"

Dy Khoa |

"Tôi cảm giác như mình bị mất gốc, không có quê để về và không còn chỗ dưỡng già".

Ảnh minh họa: Báo Lao Động.

Ảnh minh họa: Báo Lao Động.

"Mình đã bán mảnh đất ở quê để mua nhà chung cư ở Sài Gòn", cậu bạn của tôi tâm sự về dự định mua nhà tại TP HCM trong buổi cà phê cuối tuần trước. Tuấn, chàng trai 30 tuổi, là một trong những người trẻ truyền thống, có mong muốn mua nhà ở tuổi 30 để có được sự ổn định, an cư lạc nghiệp.

Đất tại các vùng quê có diễn biến giá khó đoán định từ cách đây vài năm. Một số nơi còn hình thành nên các đợt "sóng" bất động sản lên xuống rất gấp. Đất có thể tăng 2-3 lần chỉ sau một đêm thức dậy. Những mảnh đất xa tít về phía giáp biên giới hay chưa có đường chỉn chu cũng đã được rao giá lên đến tiền tỷ. 

Loại trừ chiêu trò tăng giá đất của một số đối tượng dựa vào tiền bán đất kiếm lợi thì đất tăng giá cũng cho lắm người đổi đời. Đó là lý do bây giờ về quê, nhiều người trở nên những tỷ phú chân đất. Họ cắt miếng đất ké bên nhà, bán đi để kiếm đồng tiền xoay xở cuộc sống. Và trong các lý do bán đất quê thì phần nhiều lại là "bán đất để con cái mua nhà ở Sài Gòn" - lời của một hàng xóm của tôi ở quê.

Tuấn, quê ở Đồng Nai, đang làm việc cho một công ty thuê ngoài dịch vụ chăm sóc khách hàng qua điện thoại tại quận Tân Bình. Lương của anh tính theo net (sau khi trừ các khoản như bảo hiểm, thuế) hiện tại khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chàng trai tuổi 30 tuổi mới lấy vợ. Tổng thu nhập tháng từ lương của hai vợ chồng là hơn 30 triệu đồng một chút. Số tiền này chỉ thuộc mức thu nhập trung bình tại TP HCM nên cả hai gần như không có tiền tiết kiệm.

Từ khi là sinh viên, người bạn của tôi đã mong muốn và thậm chí đặt mục tiêu mua nhà ở TP HCM vì tin rằng như vậy là tốt nhất. Sau khi đắn đo các phương án tài chính cá nhân, cách đây hai tháng, Tuấn quyết định bán mảnh đất duy nhất của gia đình ở quê - nơi có mẹ anh đang sống. Anh có 2,5 tỷ từ mảnh đất hơn 1.000m2. Kế hoạch tài chính này giúp hai vợ chồng Tuấn không phải gánh nợ ngân hàng. "Sau khi bán đất, mẹ ruột lên ở hẳn với vợ chồng mình trong căn nhà mới mua ở Sài Gòn. Hiện tại mình thấy tâm lý của mẹ vẫn ổn, tương lai thì chưa biết sao", anh kể.

Tuấn đã mua sang tay từ chủ một căn hộ tại ngoại thành TP HCM. Theo Tuấn thì nó không rộng rãi lắm nhưng cũng chấp nhận được vì "mình cũng không có nhiều tiền mà". Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng có thêm em bé thì lại trở nên khá chật chội vì tới 4 người sinh hoạt chung trong một căn hộ nhỏ.

Tôi tiếc vì bán đất quê 2,5 tỷ để mua nhà Sài Gòn - Ảnh 1.

Đất quê tăng giá do sóng đầu tư chuyển dịch. Điều này tác động đến tâm lý bán đất quê để mua nhà TP HCM của một bộ phận người trẻ. Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên & môi trường.

Tiếc vì đã bán đất quê, lên phố

Hiện nay khu đất nhà Tuấn đã được rao bán lên đến 2,8 tỷ đồng. Và anh cảm thấy tiếc vì điều đó. Theo một báo cáo gần đây, dân cư đô thị và các nhà đầu tư đất đai đang có xu hướng đổ tiền về các vùng quê, cách xa các đô thị hiện hữu. Điều này khiến giá đất tại những nơi này có cơ hội dậy sóng.

Biến động này làm cho giá đất ở quê đã tăng liên tục trong nhiều năm qua lại tiếp có cơ hội tăng dựng đứng. Giá đất tại khu vực ven đường liên xã, liên huyện cũng đã tăng rất mạnh, chưa kể các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Nếu không kiềm chế và xác định được mục tiêu dài hạn của bản thân, gia đình thì rất dễ sa đà vào cơn mê của sóng bất động sản đương thời.

Quay trở lại với Tuấn, sau khi ở trong nhà mới, anh lại không cảm thấy thoải mái như bản thân đã từng nghĩ trước đó. Tuấn thấy bản thân nhớ ngôi nhà, không khí hàng xóm, không gian làng xã ở quê hơn là môi trường sống chỉ biết "mạnh ai nấy sống" như hiện tại.

"Mình tiếc vì mình đã bán đất ở quê. Đáng ra mình nên nghĩ từ trước rằng đất quê là đất dành cho sau này. Khi hai vợ chồng về già sẽ ở đó, chứ Sài Gòn thật sự ngột ngạt", Tuấn tâm sự. Giờ đây, dù có bán lại được căn hộ hiện tại với giá tốt thì khả năng mua lại đúng mảnh đất gắn bó với tuổi thơ của Tuấn là rất khó, vì giá đất quê tăng nhanh từng ngày, nhất là khi được bủa vây bởi tin đồn mở đường, quy hoạch...  

Điều kiện sống và giá nhà luôn ở mức cao tại TP HCM khiến nhiều người trẻ có thu nhập trung bình bị gánh nặng tài chính. Ý chí mua nhà ở một số người đã bị thui chột. Hoặc nếu muốn mua nhà thì đều chỉ còn một cách như Tuấn là thuyết phục người thân bán đất ở quê, chuyển lên Sài Gòn sống chung với nhau.

Để người già thay đổi môi trường sống cũng không phải là điều dễ dàng bởi thói quen sinh hoạt nông thôn và đô thị hoàn toàn khác nhau. Người trẻ muốn bán đất quê lên phố cần dự trù trước các yếu tố này để tránh các cụ khó ngủ, trầm cảm dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, tuổi thọ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại