Tôi muối mặt khị bị trẻ hàng xóm chê 'lì xì có 10.000 thôi'

Thạc sĩ giáo dục Đào Thuý Nga |

Còn đang rót nước mời, cô con út nhà hàng xóm đã bóc ngay bao lì xì rồi ghé tai nói với mẹ nhưng đủ để tôi nghe thấy “có 10.000 thôi mẹ”.

Làm sao khi trẻ chê lì xì ít tiền?

Làm sao khi trẻ chê lì xì ít tiền?

Hỏi: Vợ chồng tôi không có con, vì thế tôi rất quý trẻ con. Tết nào cũng thế, tôi chỉ mong thật nhiều trẻ con đến nhà. Tôi thường chuẩn bị những bao lì xì với chút ít tiền mới “gọi là” để mừng tuổi các cháu.

Tết năm ngoái, tôi có hàng xóm mới. Vợ chồng họ về quê ăn Tết, ngày mùng 3 mới lên và sang nhà tôi chúc Tết. Như lệ thường tôi mừng tuổi cho hai bé.

Còn đang rót nước mời, cô con út nhà hàng xóm đã bóc ngay bao lì xì rồi ghé tai nói với mẹ nhưng đủ để tôi nghe thấy “có 10.000 thôi mẹ”.

Tôi lặng người pha chút bối rối và có phần muối mặt. Vợ chồng tôi già, lương cán bộ nghỉ hưu chẳng được mấy đồng mà tôi luôn nghĩ mừng tuổi lấy may chứ không phải ở giá trị vật chất.

Không biết có phải chúng tôi đã lạc hậu quá hay không hay là do các phụ huynh vẫn chưa dạy con chu đáo khi nhận tiền lì xì? Theo các chuyên gia, cần dạy trẻ ứng xử như nào khi nhận được lì xì từ người lớn tuổi?

Nguyễn Thị Nhung (Tây Hồ, Hà Nội)

Trả lời:

Chào chị!

Hiện trạng trẻ bóc lì xì ra trước mặt khách rồi chê bai ít không phải là hiếm gặp. Nguyên nhân của hiện tượng đó là vì các con chưa biết rõ ý nghĩa của tục lệ lì xì. Đồng thời chính việc người lớn thường bàn chuyện lì xì trước mặt con, các con nghe thấy, ngấm được và sau đó sẽ tỏ ý không thoải mái khi lì xì không nhiều.

Theo tôi, để hành vi bất lịch sự này không diễn ra, chúng ta cần làm các việc như sau:

1. Trước Tết, khi chúng ta đang chuẩn bị đón xuân, các cha mẹ kể cho con nghe về tục lệ nhận lì xì:

Ngày xưa, khi Tết đến Xuân về, ông Táo lên chầu trời, việc ở dưới trần không ai cai quản, bọn quỷ dữ thừa cơ hội gây ra nhiều tai họa. Đặc biệt là ở những nhà có các cháu nhỏ, khi cha mẹ mải mê lo việc sắm Tết, các cháu nhỏ thường bị quỷ dữ vào phá rối giấc ngủ, gây bệnh tật. Đã có cháu còn bị quỷ dữ cướp đi.

Thấy vậy, dân làng vô cùng lo lắng. Họ cầu xin Trời Phật giúp họ. Ông Phật xuống trần trong hình dáng của ông Bụt. Để tránh khỏi việc phá rối của quỷ dữ với mùa màng, ông bày cho người dân treo cây cột cao ở ngoài sân rồi ông vắt chiếc áo của ông trên đó. Bóng chiếc áo đổ che khuất cả nhà, tránh được sự nhòm ngó của quỷ dữ. Đây chính là nguồn gốc của cây nêu.

Với trẻ nhỏ, ông cho bọn trẻ mỗi cháu một đồng xu nhỏ gói trong giấy đỏ đẹp và dặn gia đình đặt ở dưới gối khi cháu ngủ. Quỷ dữ xuống phá trẻ con sẽ bị ánh sáng của đồng tiền Phật làm cho chói mắt. Vì thế, chúng sợ mà bỏ chạy.

Sau này, mọi người lớn trong gia đình cũng làm theo Bụt, cứ đến Tết là tặng trẻ những đồng xu nhỏ để xua đuổi quỷ dữ.

Câu chuyện này sẽ giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của tục lệ tặng lì xì. Đồng thời, trẻ cũng cần được dạy rằng: Không được tiêu những đồng tiền này. Đêm về, phải đặt các phong bao lì xì dưới gối để xua đuổi quỷ dữ.

2. Dạy con cách thưa gửi, chào hỏi khi khách đến nhà hoặc đi chúc Tết. Khi khách đến nhà hoặc cả nhà đi chúc Tết, trẻ nhỏ cần phải chào hỏi lễ phép và chúc Tết những người khách. Cha mẹ có thể dạy trước cho bé những câu chúc đơn giản, dễ học và phù hợp với hầu hết mọi người.

Ví dụ: Cháu chúc ông/ bà/cô/chú/anh/chị năm mới mạnh khỏe và may mắn.

Với các câu chúc này, trẻ sẽ đem niềm vui đến cho tất cả mọi nhà.

3. Dạy con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì. Cha mẹ cần dạy trước con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì. Nhưng câu cảm ơn lễ phép của trẻ sẽ khiến tất cả mọi người cảm thấy hài long.

4. Dạy trẻ không xé phong bao lì xì khi đang ở trước mặt khách. Hành động xấu chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Cha mẹ có thể dặn con là những đồng tiền này dùng để xua đuổi quỷ dữ khi con ngủ. Vì thế, con tuyệt đối không được xé bọc lì xì ra. Con có thể gửi mẹ cầm giúp hoặc cha mẹ chuẩn bị cho con một chiếc túi nhỏ để đựng phong bao lì xì. Khi trở về nhà, con cần cho tất cả những phong bao đó vào trong một chiếc túi và đặt dưới gối ngủ của con.

5. Dạy con sử dụng những đồng tiền lì xì hợp lý sau Tết. Khi Tết đã thực sự kết thúc, thường là lúc hạ cây nêu hoặc gia đình làm lễ hóa vàng, các cha mẹ cần giúp con mở chiếc túi đựng lì xì ra và thu gom số tiền lì xì được nhận.

Nếu các con đã đến tuổi sử dụng tiền, thường là lớp 3 trở lên, cha mẹ cần dạy con cách sử dụng hợp lý số tiền lì xì đó. Cách thức đơn giản là yêu cầu con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó, tham khảo trước giá cả, lập bảng chi phí cụ thể.

Sau khi bố mẹ đã kiểm tra về tính hữu ích, mức giá tiền hợp lý, cách mua đồ, cách sử dụng…. mà thấy phù hợp thì có thể cho con chi tiêu số tiền đó. Cha mẹ có thể đưa con đi đến cửa hàng, cho con tự chọn đồ và tự trả tiền. Việc này sẽ giúp con hiểu thêm về giá trị đồng tiền và cách sử dụng.

Dạy trẻ về lì xì nên dạy từ trước và có các quy định rõ ràng. Khi đó, các con sẽ không có những hành vi thiếu lịch sự khiến cha mẹ phải xấu hổ.

Chúc mọi người một năm mới an vui.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại