Thiên tai, hỏa hoạn - hai nỗi ám ảnh hàng đầu từ xưa tới nay vừa liên tiếp xảy ra mang theo những tổn thất nặng nề.
Theo đó, rạng sáng 13-7 tại Hà Giang, sạt lở vì mưa lũ khiến 11 người thiệt mạng trên quốc lộ 34. Tới khuya cùng ngày, ở TP HCM, vụ cháy trong con hẻm quận Gò Vấp cướp đi cuộc sống của 3 mẹ con.
Những cái chết bất ngờ đầy thương tâm ấy nằm trong số rất nhiều ví dụ gần đây về sự mất mát khó đong đếm. Nó gióng lên hồi chuông nhắc nhở rằng hai mối nguy đó chưa bao giờ và không khi nào được phép chủ quan, xem nhẹ!
Hai luật Phòng chống thiên tai, Phòng cháy và chữa cháy đã dự liệu đa số tình huống để đưa ra những quy định chặt chẽ; hệ thống văn bản từ tuyên truyền, khuyến cáo đến cảnh báo hoả hoạn, thiên tai được ban hành từ nhiều cấp như những mảnh ghép làm đầy đặn quyết tâm ứng phó… Tuy nhiên, thiệt hại cả vật chất lẫn con người dường như ít có dấu hiệu được kiềm chế.
Con số hơn 140 người chết, thiệt hại trên 807 tỉ đồng do cháy nổ; trên 160 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế vượt 8.230 tỉ đồng vì thiên tai chỉ trong năm 2023 là những thống kê vừa lạnh lùng vừa đầy đau đớn.
Làm sao để kiềm chế? Đây là câu hỏi không mới nhưng chưa bao giờ mất tính thời sự. Đáp án, về mặt lý thuyết, đó là thẩm thấu sâu sắc và thi hành triệt để hai luật.
Về mặt thực hành, nhận biết quy luật của thời tiết, đặc điểm địa chất, địa hình (đối với nguy cơ thiên tai); đặc thù nơi sinh sống (đối với rủi ro cháy nổ) để có quá trình chuẩn bị cho sự an toàn một cách chu đáo cùng phương án ứng phó phù hợp nhất với tình huống hiểm nguy. Trong đó, mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy dứt khoát phải đóng vai trò là lực lượng tại chỗ đặc biệt hiệu quả với những cá nhân được hướng dẫn bài bản, chu đáo, thực chất.
Những tiếng nghẹn ngào sau thiên tai hay hỏa hoạn chỉ có thể thưa vắng khi mỗi thành viên trong cộng đồng luôn đề cao cảnh giác, nhạy bén trong phản xạ, thuần thục về kỹ năng.
Quan trọng nữa, đó là tính chu đáo, hiệu quả của cơ quan chức năng trong cả tuyên truyền lẫn hành động.