Tôi kiếm trăm tỷ từ đầu tư bất động sản

Nam Anh |

Trên thị trường bất động sản không khó để gặp những nhà đầu tư tay to, những "cánh chim đầu đàn" với số vốn lên tới hàng trăm tỷ sau nhiều năm tích cóp đầu tư bất động sản.

Gặp chị Lan giữa cái nắng nóng chói chang của mùa hè Hà Nội, chị cho biết vừa làm thủ tục sang tên liền kề tại Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) với mức lời lên tới 6 tỷ chỉ sau hơn 1,5 năm đầu tư căn biệt thự giá gốc 8 tỷ đồng.

Chị Lan kể lại chị là tay ngang rẽ sang bất động sản một cách tình cờ. Những năm 2000, chị vốn là công nhân viên chức, chồng kinh doanh buôn bán nhỏ. Sau khi cưới nhau vợ chồng chị được bố mẹ cho căn nhà tập thể ở Thành Công để ra ở riêng.

Hai năm sau, chị bán căn nhà tập thể cùng tiền tiết kiệm để mua ngôi nhà 3 tầng ở quận Hai Bà Trưng. Sau này, do cả hai vợ chồng cùng chuyển công tác ra khu vực Mỹ Đình nên chị lại phải chuyển nhà thêm một lần nữa.

"Do là người nhanh nhẹn, kỹ tính nên lúc mua nhà tôi chịu khó tìm hiểu kỹ, chọn mua căn nhà đất ở vị trí thuận tiện, thế đất vuông vắn, giá cả phù hợp so với mặt bằng chung. Chính vì vậy, khi có nhu cầu bán đều đắt khách, thậm chí bán được giá cao. Sau hai lần bán nhà tôi thấy rất có duyên với đất cát, bán căn nhà nào cũng được giá", chị Lan cho biết.

Nhận thấy việc buôn bán nhà đất thuận lợi, thay vì gửi tiền tiết kiệm hay mua vàng tích trữ chị Lan dành dụm tiền mua những căn nhà nhỏ, diện tích vừa phải khu vực xa một chút như Mỹ Đình, Hà Đông, Thanh Xuân... với giá khoảng 1 tỷ đồng, gặp khách thiện chí có lãi là chị sang tay luôn. Cứ quay vòng như thế, tiền gốc đẻ thêm tiền lãi, chị Lan mua đi bán lại 3-5 căn nhà một năm rồi tăng lên 4-7 căn.

"Thời điểm 2007-2008 chung cư rất hiếm, đắt đỏ nên nhà mặt đất được nhiều người lựa chọn. Chị chọn mua những căn nhà 2-3 tầng cũ gần trường, chợ, thế đất vuông vắn, diện tích vừa phải 40-50m2 rồi về sửa sang thêm cho mới. Có những căn, chị lãi cả vài trăm triệu sau khi mua và sửa sang lại.

Chỉ sau 5 năm mua đi bán lại số tiền tích cóp từ vài trăm tăng ban đầu đã tăng lên được gần 10 tỷ", chị Lan cho biết.

Vào những năm 2012-2013, thị trường BĐS bắt đầu phát triển trở lại, phân khúc nhà thổ cư dần đuối chị Lan bắt đầu chia nhỏ giỏ hàng kết hợp đầu tư nhà đất thổ cư cùng nhà đất dự án. Tuy nhiên chị vẫn đầu tư theo nguyên tắc "vừa mắt ta, ra mắt người". Chị chọn những căn nhà mang tính sử dụng cao, vừa tầm tiền.

"Đối với mình là đẹp, ở được thì đối với người khác cũng thế. Bất động sản có tính duy nhất thế những người mua để khi đã ưng họ sẵn sàng trả thêm chi phí", chị Lan kể.

Chị Lan chia tiền thành 2 phần, một phần tiền chị tiếp tục mua những căn nhà cũ để sửa sang lại rồi bán, một phần chị đi đầu tư nhà đất dự án. Ở thời điểm đó, chị nhắm mua 2 căn biệt thự tại Khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) với giá chỉ hơn 2 tỷ đồng mỗi căn. Chỉ 3 năm sau, giá trị hai căn biệt thự này đã tăng gấp hơn 2 lần lên gần 5 tỷ đồng/căn.

Giải thích lý do chọn mua một lúc 2 căn biệt thự tại đây, chị Lan cho biết lúc sang mua cả dự án ở giữa cánh dồng đang triển khai rầm rộ, cây cối mới được trồng cũng không biết tương lai thế nào.

Tuy nhiên, do khoảng cách khá gần Hà Nội mà thời điểm đó dân Hà Nội lại khá chuộng căn nhà thứ hai nên tôi quyết mua vừa mục đích say này sử dụng vừa đầu tư. "Thực sự, tôi cũng không ngờ đến việc hai căn biệt thự tại đây lại tăng nhanh đến thế. Đây cũng là cái may trời cho", chị Lan cho biết.

Sau khi bán hai căn Ecopark, chị Lan nhận thấy đối với đầu tư bất động sản ở các dự án mới, sản phẩm càng to tiền càng lãi nhiều mà tăng nhiều nhất là các căn biệt thự, liền kề. Rời Ecopark, chị tiếp tục mua hàng loạt những căn biệt thự, liền kề tại Gamuda Garden (Hoàng Mai), shophouse tại Vinhomes Green Bay (nam Từ Liêm), liền kề tại An Bình City (Bắc Từ Liêm)... Những khoản đầu tư này, chị cũng nhanh chóng thu lời đến 50% chỉ sau 2 năm.

Thời điểm 2019-2020 khi giá biệt thự, liền kề, shophouse tại Hà Nội đã tăng cao và bắt đầu chững lại, nguồn cung mới khan hiếm. Nhận thấy khó có thể lãi lớn từ đầu tư biệt thự, liền kề mới nữa chị chuyển sang săn tìm những dự án cũ đã nằm bất động từ cách đây 10 năm tại khu vực Nam An Khánh.

Tôi kiếm trăm tỷ từ đầu tư bất động sản - Ảnh 1.

Khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn (Hoài Đức) từng được mệnh danh là khu đô thị hoang lạnh thì nay đã tăng giá mạnh khi người dân về ở nhiều dần.

Chị Lan kể: "Thời điểm cuối năm 2019 giá biệt thự, liền kề khu vực này chỉ khoảng 30 triệu đồng/m2, rẻ ngang giá căn hộ chung cư cao cấp Vinhomes Smart City đang được mở bán gần đó.

Dù hạ tầng giao thông đã hoàn thiện nhưng các tiện ích ở những khu biệt thự này vẫn không được xây dựng nên giá chững lại gần 10 năm nay. Tuy nhiên, tôi nhận thấy một điều nhiều hộ dân đã bắt đầu về khu vực này ở, đặc biệt khu Vinhomes Smart City cũng chuẩn bị bàn giao với hàng nghìn căn hộ".

"Không có lý gì mà cả một làng biệt thự với hạ tầng đã kết nối thuận tiện chỉ cách Big C Thăng Long 6km, đường 4 làn thẳng tắp lại không thể tăng giá.

Trong khi giá đất thổ cư trong ngõ nhỏ khu vực An Khánh An Thượng được giao dịch với giá 30 triệu đồng/m2 thì giá đất biệt thự, liền kề tại nhiều khu đô thị như Thiên Đường Bảo Sơn, Geleximco, Nam An Khánh, Ha Đo Charm Villa chỉ ở mức tương đương", chị Lan cho biết.

Với nguyên tắc "vừa mắt ta ra mắt người" chị mua hai căn biệt thự song lập tại khu Nam Anh Khánh và Thiên Đường Bảo Sơn với mức 8,5 tỷ đồng và 7,8 tỷ đồng. Vận may lại tiếp tục đến với chị khi giá khu vực này bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2020 lên mức 70 triệu đồng/m2 những căn biệt thự đã xây xong thô. Giữa năm 2021, chị Lan lãi hơn 10 tỷ đồng từ khoản đầu tư này.

Thời điểm hiện tại chị Lan tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những dự án từng bất động cả thập kỷ tại Đan Phượng, Mê Linh, Hòa Lạc. Chị Lan Cho biết, cuối tuần trước vừa đi một vòng các dự án xung quanh Hà Nội như The Phoenix Garden Đan Phượng, Xanh Villa Hòa Lạc, CienCo 5 Mê Linh tuy nhiên vẫn chưa chốt được hàng.

Sau 20 năm đầu tư, sở hữu tổng tài sản lên đến cả trăm tỷ nhưng không phải khi nào chị Lan cũng thắng trong các thương vụ mua bán bất động sản.

Chị Lan cũng đã từng mắc kẹt khi tham gia đầu tư cơn sốt đất nền tại Thanh Hóa, Vân Đồn hay đổ tiền mua căn hộ chung cư cho thuê cuối cùng phải bán cắt lỗ để thoát vốn. Tuy nhiên, do chị đầu tư chủ yếu bằng vốn tự có không vay ngân hàng nên dù thị trường xuống chị vẫn không phải bán tháo do áp lực tài chính.

"Năm 2019 tôi có mua 2 lô shophouse trong Vân Đồn sau đó thị trường bất ngờ gãy sóng. Do hai căn Shophouse theo quy hoạch đối diện vườn hoa tôi xác định nếu không bán được thì để lại sau này sử dụng hoặc cho thuê. Tôi đầu tư bằng tiền tự có nên không có ý định cắt lỗ sâu để thoát hàng", chị Lan tâm sự.

"Có được cơ ngơi sau 20 năm đầu tư như ngày hôm nay, tôi nghĩ ngoài sự tính toán của bản thân thì tôi cũng là người may mắn khi gặp đúng thời điểm.

Tôi cho rằng đầu tư bất động sản không nên dùng đòn bẩy tài chính nhiều sẽ gây áp lực bán tháo, nên đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến có ít mua đất nhỏ, có tiền to mua đất lớn và đặc biệt cần giữ vững nguyên tắc mua những sản phẩm "vừa mắt ta ra mắt người", có tính sử dụng sẽ dễ thanh khoản", chị Lan nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại