Tôi 'đứng hình' trước lý do các con không muốn về quê nội ăn Tết

Ths giáo dục Đào Thuý Nga |

Nghe con nói đúng về hiện thực quê nhà, tôi bối rối không biết phải giải thích với con như thế nào trong khi Tết đang đến rất gần.

Hỏi: Tôi là người tỉnh lẻ lên Hà Nội học đại học rồi ở lại Thủ đô lập nghiệp. Sau 5 năm ra trường, tôi lập gia đình, vợ tôi là con một của một gia đình trí thức có truyền thống ở Ngọc Hà (Hà Nội). Hai con tôi lần lượt ra đời được một tay ông bà ngoại chăm sóc.

Bà ngoại là người Hà Nội gốc nên bà cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, từng bữa ăn của cả gia đình được bà lựa chọn nấu nướng kỹ càng. Các cháu cũng được bà hướng dẫn cách ăn ở nền nếp, giữ vệ sinh.

Vợ tôi là kế toán cho một công ty liên doanh nước ngoài, công việc bận tối ngày nên mỗi năm chỉ đôi ba lần chúng tôi cho các con về thăm ông bà nội. Có lẽ vì thế, các con ngày càng xa cách với bên nội.

Con bé 5 tuổi không biết gì đã đành nhưng cậu con trai lớn học lớp 6 của chúng tôi cũng không hề thích về quê. Lần nào vợ chồng tôi chuẩn bị về con cũng câu hỏi “Lại phải về quê à bố? Về quê chán lắm, chẳng có gì chơi. Bao giờ lên hả mẹ?”.

Có lần tôi hỏi vì sao con không thích về quê ông bà nội thì con bảo “Ở quê chỗ nào cũng bẩn. Nền nhà đen sì đã thế lại còn chải chiếu ngồi lên đấy để ăn cơm. Vào bữa, con chưa kịp cầm đũa thì các em đã bốc nhồm nhoàm. Chỉ nhìn thế thôi con đã sợ không dám ăn rồi”.

Tết đã đến gần, tôi rất muốn đưa cả nhà về quê, muốn các cong hiểu được ý nghĩa cội nguồn nhưng tôi nên giải thích với con như thế nào để không phải cưỡng ép?

Trả lời:

Cha mẹ thân mến!

Tôi rất thông cảm với các bạn khi con từ chối quê quán của chính con chỉ vì sợ ở bẩn. Thực ra, thói quen sợ ở bẩn là do chính các bạn đã truyền cho con.

Từ lúc con mới sinh, sợ con ốm, con đau bụng, các bạn đã rất cẩn thận trong quá trình chăm sóc con. Khi con bốc thứ gì đó bẩn thỉu dưới đất lên, dù chưa cho vào miệng nhưng nếu nhìn thấy, lập tức các bạn đã vội vàng giật ra và đưa con đi rửa tay. Điều này đã khiến con dần dần hình thành tính cách sợ ở bẩn.

Tuy thế, trong quá trình trưởng thành, thực tế thì con người cũng cần 1 chút bụi bặm, một chút bẩn dơ gì đó cho khỏe mạnh. Bởi vì điều đó sẽ khiến cơ thể con quen với mọi hoàn cảnh.

Mỗi khi có cảnh ngộ gì không được sạch sẽ, con sẽ quen mà không mắc bệnh dị ứng do thay đổi môi trường. Vì thế, đừng ngăn cản con nghịch bẩn. Điều cần làm là sau khi con đã nghịch bẩn thỏa thuê, hãy cho rửa cho con thật sạch sẽ.

Bọn nhóc từ khi biết đi là cần phải được chơi với cát. Cát ở đây chính là loại cát đen dùng để xây dựng. Cát này sẽ được trẻ cầm nắm, nhào nặn, lấy các khuôn ra đúc, các xô, chậu, thùng…. tí hon ra đựng và xách đi khắp nơi. Chơi cát sẽ làm tăng cường vận động tinh của đôi bàn tay, giúp trẻ sáng tạo và thực hiện những sáng tạo đó trên cát. Chơi cát khi ngã sẽ không đau, chắc chỉ lấm lem bẩn thỉu thôi. Vì thế, trèo leo trên cát cũng an toàn.

Các em nhỏ ở Đức còn trèo tít lên trên mái nhà búp bê được xây dựng tại sân chơi cát. Tôi cũng chẳng thấy bố mẹ nào la hét hay chạy lại lôi cổ con xuống. Bọn trẻ cứ thỏa sức vui đùa ở đó.

Ngoài ra, lâu lâu cho con vọc tay vào gạo cũng là 1 thú vui tuyệt vời. Hoặc mẹ đang nhào bột thì cớ gì không cho con tham gia. Tất cả những hoạt động đó đều giúp con phát triển não tối đa. Con người là sinh vật sống nên cần môi trường tự nhiên thật sự.

Nếu các cha mẹ cho phép con được khám phá trong thế giới tự nhiên, con sẽ không ghét về quê vì ở quê bẩn nữa. Còn nếu con bạn đã mắc chứng quá sạch sẽ rồi thì bây giờ là lúc cho phép con quen dần với việc lăn lộn ngoài bãi cát, những nơi dơ dơ một chút cho con quen dần. Khi đó, quê bố mẹ sẽ là một chân trời để khám phá và chắc chắn con sẽ không từ chối trở về.

Ngoài ra, trong tình thế huống cụ thể này, do thời gian gấp gáp, cha mẹ nên nói chuyện với con về tinh thần truyền thống ngày Tết, sau đó dẫn dụ trẻ tới ước muốn khám phá những trò chơi dân gian hoặc hoạt động cổ truyền nơi quê nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại