Tôi đã dùng giấc mơ Lucid để tập nói trước đám đông, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và gặp người bà đã mất của mình

THANH LONG |

Và đây là kỹ thuật tôi dùng để đạt được trạng thái đó, bạn cũng có thể thử.

Năm 19 tuổi, rất lâu trước khi tôi nghĩ mình sẽ trở thành một nhà báo khoa học viết về chủ đề không gian vũ trụ, tôi đã có một giấc mơ. Tôi mơ thấy mình đang đứng trên bề mặt Sao Hoả, phóng tầm mắt ra một sa mạc rải rác những mỏm đá màu gỉ sắt.

Đó là một buổi chiều hoàng hôn điêu tàn và vĩnh cửu. Tôi thấy mình mắc kẹt ở đó, trong nhiều giờ liền trước khi ngẩng đầu lên và thấy một trạm vũ trụ đang treo lơ lửng trên bầu trời. Tôi quyết định bay lên đó bằng một đôi ủng phản lực giống như Iron Man. Và rồi tôi tỉnh dậy.

Tôi đã dùng giấc mơ Lucid để tập nói trước đám đông, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và gặp người bà đã mất của mình - Ảnh 1.

Điều đáng nói là tôi không chỉ tình cờ đến Sao Hỏa trong giấc mơ của mình. Tôi biết mình đang ngủ trong suốt quãng thời gian đó. Một trải nghiệm được gọi là "lucid dream" hay giấc mơ sáng suốt, trong đó tôi đã chọn Sao Hỏa là địa điểm mình sẽ tới trong giấc mơ.

Cũng chính tôi là người chọn đắm mình trong trải nghiệm cô độc ngoài Trái Đất. Sau khi đã thỏa mãn, tôi chọn mình sẽ bay lên trạm vũ trụ để rời đi.

Năm 19 tuổi, gần như đêm nào tôi cũng có một giấc mơ sáng suốt. Do đó, tôi đã trải nghiệm rất nhiều biến thể của giấc mơ này – càng về sau thì những giấc mơ đó càng trở nên khác thường và chất lượng của chúng được cải thiện.

Tuy nhiên, một sự thật là mỗi người lại có một kiểu "lucid dream" khác nhau vì vậy không dễ để mô tả nó cho tất cả mọi người. Chỉ có một điểm chung cốt lõi giữ chúng, đó là trong một giấc mơ sáng suốt, bạn vẫn có ý thức và biết rằng mình đang mơ. Điều này cho phép bạn đóng một vai trò tích cực hơn trong việc điều khiển giấc mơ của mình.

Đối với tôi, một số giấc mơ sáng suốt giống như những tấm vải vancas trắng, nơi tôi có thể tưởng tượng ra một khung cảnh mới khoáng đạt, tạo ra một cốt truyện khi tôi đi qua đó. Một số giấc mơ khác trở thành môi trường tập luyện của tôi, nơi tôi rèn luyện các tình huống khó khăn, chẳng hạn như tập nói trước đám đông.

Tôi rất giỏi xử lý các tình huống kiểu vậy, biến áp lực trở thành bình thường và giữ cho bản thân thư thái trở lại chỉ vì tôi đã luyện tập tất cả trong giấc mơ của mình.

Một lần khác, tôi có một giấc mơ vô cùng đáng nhớ. Trong đó, tôi đã chơi bài với bà của mình, mặc dù bà tôi đã mất nhiều năm trước đó. Giấc mơ này đã giúp tôi hiểu được tình cảm bà cháu theo một cách mà tôi chưa từng được trải nghiệm trước đó. Khi bà tôi mất, tôi mới chỉ là một đứa trẻ.

Tôi đã dùng giấc mơ Lucid để tập nói trước đám đông, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và gặp người bà đã mất của mình - Ảnh 2.

Thậm chí, ngay cả khi những giấc mơ sáng suốt đến hoàn toàn ngẫu nhiên, chúng vẫn có sức mạnh. Những giấc mơ này giúp chúng ta thoát khỏi những giới hạn tẻ nhạt về thể chất cũng như xã hội của thế giới thực. Lucid dream có thể giúp chúng ta giảm bớt đau buồn và khiến chúng ta trở nên sáng tạo hơn.

Trên những diễn đàn trực tuyến, nhiều người vẫn đăng trải những trải nghiệm của họ với giấc mơ sáng suốt. Họ viết về cách giấc mơ này truyền cảm hứng cho các tác phẩm âm nhạc hoặc tiểu thuyết mới của họ, giúp họ tìm ra giải pháp cho các vấn đề trong thế giới thực, hoặc chỉ đơn giản là mang đến những khoảnh khắc thú vị đáng nhớ.

Benjamin Baird, một nhà nghiên cứu nhận thức con người tại Đại học Wisconsin – Madison, từng nói:

"Giấc ngủ REM [nơi những giấc mơ xuất hiện] là một nguồn tài nguyên bị bỏ quên. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể tận dụng trạng thái này bằng cách kiểm soát suy nghĩ và hành động của mình để quyết định những gì mình muốn làm [trong mơ]? Trạng thái này có thể được sử dụng để giải trí, giải quyết vấn đề sáng tạo, tìm hiểu về cách trí nhớ hoạt động cũng như tất cả các khía cạnh khác [của khoa học thần kinh]".

Baird cho biết một ứng dụng đặc biệt hấp dẫn của giấc mơ sáng suốt là trong lĩnh vực nghệ thuật. Một vài nghệ sĩ đã mơ những giấc mơ sáng suốt, nơi họ đến phòng trưng bày của chính mình và nhìn vào các bước tranh được treo trên tường.

"Sau đó, họ thức dậy và vẽ lại những gì họ đã thấy. Điều tương tự cũng có thể được thực hiện đối với việc nghe các bản nhạc", Baird nói. Nghe có vẻ như ai đó khác đã tạo ra những tác phẩm này và bạn chỉ là một kẻ ăn cắp. Nhưng thực ra đó chính là tâm trí của bạn, bạn đã ăn cắp chính tác phẩm của chính mình trong những giấc mơ.

Tôi đã dùng giấc mơ Lucid để tập nói trước đám đông, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và gặp người bà đã mất của mình - Ảnh 4.

Tại sao chúng ta mơ?

Các nhà khoa học vẫn chưa thực sự biết. Freud nghĩ rằng những giấc mơ là tiềm thức của chúng ta, nó cho chúng ta thấy những ước muốn bị kìm nén của mỗi người.

Một số nhà sinh học tin rằng giấc mơ đã tiến hóa để chúng ta có thể đưa vào đó các tình huống đe dọa từ cuộc sống thực, rồi tập luyện trong đó để tìm ra cách phản ứng phù hợp.

Nhiều nhà khoa học thần kinh đã nghiên cứu quá trình kích hoạt tế bào thần kinh trong khi ngủ, qua đó họ tin rằng giấc mơ đóng một vai trò giúp chúng ta mã hóa và củng cố ký ức. Nhà tâm thần học Harvard, Allan Hobson cho rằng mơ là cách bộ não điều hòa những trải nghiệm mà nhiều tầng ý thức khác nhau đã hấp thụ trong suốt cả ngày.

Tuy nhiên, trong khi bản thân giấc mơ vốn là một chủ đề rất được các nhà nghiên cứu quan tâm, thì giấc mơ sáng suốt trong lịch sử đã bị xếp xó. Lần đầu tiên giấc mơ này được đề cập đến trong nền văn minh phương Tây là vào khoảng thế kỷ thứ tư trước Công nguyên bởi Aristotle.

Trong một chuyên luận có tựa đề "Về những giấc mơ", ông viết "thường khi một người đang ngủ, có một thứ gì đó trong ý thức sẽ tuyên bố rằng những gì hiện ra sau đó sẽ chỉ là một giấc mơ".

Trong suốt một khoảng thời gian kéo dài 2 thiên niên kỷ, các bằng chứng về giấc mơ sáng suốt chỉ xuất hiện rải rác và mang tính giai thoại. Chúng cũng chỉ gợi lên sự tò mò chứ không thực sự là những cuộc điều tra khoa học.

Tôi đã dùng giấc mơ Lucid để tập nói trước đám đông, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và gặp người bà đã mất của mình - Ảnh 5.

Phải đến tận năm 1913, bác sĩ tâm thần người Hà Lan Frederik van Eeden mới đặt ra thuật ngữ "lucid dream", mở đầu cho việc định nghĩa và nghiên cứu nó một cách sâu sắc hơn. Trong một bài báo, Eeden mô tả giấc mơ sáng suốt là trạng thái mơ mà một người trải nghiệm nó "có cái nhìn sâu sắc".

Hiện tượng này lần đầu tiên được xác minh một cách khoa học vào cuối những năm 1970 và 1980, chủ yếu nhờ vào nhà tâm lý học Stephen LaBerge của Đại học Stanford. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã biết rằng mắt của người ngủ di chuyển cùng hướng với hướng nhìn của họ trong giấc mơ.

Và trong một nghiên cứu năm 1981, LaBerge đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho những người mơ sáng suốt về vị trí mà họ cần nhìn vào trong giấc mơ của mình — chẳng hạn như nhìn lên và xuống 10 lần liên tiếp, hoặc từ trái sang phải 6 lần. LaBerge sau đó quan sát chuyển động mắt của những tình nguyện viên trong khi họ ngủ.

Kết quả cho thấy những người mơ sáng suốt không chỉ kiểm soát được cảnh vật trong mơ mà còn có thể thực hiện các kế hoạch đã được vạch ra khi họ tỉnh táo. Kể từ đó, chuyển động của mắt trở thành tiêu chuẩn vàng giúp các nhà nghiên cứu sử dụng để xác minh một cách khách quan: Liệu một người có đang mơ sáng suốt trong phòng thí nghiệm hay không?

Bước đột phá lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu giấc mơ sáng suốt được thiết lập trong những năm gần đây, mới nhất là một nghiên cứu công bố hồi tháng 2 năm 2021 đã chứng minh những người mơ sáng suốt có thể giao tiếp hai chiều với những người tỉnh táo :

Tôi đã dùng giấc mơ Lucid để tập nói trước đám đông, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và gặp người bà đã mất của mình - Ảnh 7.

Trong một bài báo được xuất bản trên tạp chí Current Biology, các nhà nghiên cứu tại 4 phòng thí nghiệm khác nhau trên khắp thế giới đã thử đặt cho những người mơ sáng suốt những câu hỏi bằng cách sử dụng tin nhắn âm thanh, tiếng bíp, đèn nhấp nháy, hoặc kích thích xúc giác.

Những người tham gia sẽ đáp lại trong khi họ mơ bằng các chuyển động mắt theo mô hình cụ thể. Dựa trên thí nghiệm này, rõ ràng là các nhà nghiên cứu đang trò chuyện hiệu quả được với một người đang ngủ và có lucid dream.

Làm thế nào để có được giấc mơ sáng suốt?

Một bài báo khoa học phân tích tổng hợp 34 nghiên cứu được thực hiện trong hơn nửa thế kỷ cho thấy khoảng 55% tất cả mọi người từng trải nghiệm lucid dream ít nhất một lần trong đời. Gần một phần tư trong số họ sẽ có những giấc mơ sáng suốt một lần mỗi tháng.

Một số đặc điểm sinh học của giấc mơ sáng suốt đã được LaBerge, người được mệnh danh là cha đỡ đầu của lĩnh vực này ghi chép lại. Ví dụ, lucid dream sẽ xảy ra trong giai đoạn sau của giấc ngủ REM, khi chuyển động mắt nhanh lên đến đỉnh điểm.

Mọi người sẽ cảm thấy nhịp tim và nhịp hô hấp của họ tăng lên trong giấc mơ sáng suốt so với giấc mơ bình thường. Điều này cho thấy người mơ đang ở trong trạng thái tích cực hơn.

Nhà khoa học thần kinh Hà Lan Dresler, người đã thực hiện một nghiên cứu fMRI duy nhất về giấc mơ sáng suốt tin rằng hiện tượng này gắn liền với sự tăng cường kích hoạt vỏ não trước, vùng não đóng vai trò trong siêu nhận thức, quyết định những nhận thức về các quá trình suy nghĩ của chính một người.

Ông cũng đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy rằng những người thường xuyên mơ sáng suốt có nhiều chất xám hơn nằm ở vùng cực của vỏ não trước.

Tôi đã dùng giấc mơ Lucid để tập nói trước đám đông, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và gặp người bà đã mất của mình - Ảnh 8.

Thế nhưng cho tới thời điểm này, các nhà khoa học chưa tìm ra được một loại thuốc nào có thể kích hoạt một giấc mơ sáng suốt.

Chỉ có một vài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy hiệu quả ban đầu của galantamine, một loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân Alzheimer có thể làm tăng acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh chính chịu trách nhiệm tạo ra giấc ngủ REM từ đó tăng cơ hội một người trải nghiệm giấc mơ sáng suốt trong khi họ ngủ.

Một số nhà khoa học ở Đức và Thụy Sĩ đã nhắm đến một cách tiếp cận mới, họ muốn sử dụng các kỹ thuật kích thích não không xâm lấn để tạo ra giấc mơ sáng suốt, nhưng đã gần một thập kỷ trôi qua, công việc vẫn chưa đạt được nhiều thành công.

Một nghiên cứu không chính thức được thực hiện bởi LaBerge cho thấy việc cố gắng thay đổi cường độ ánh sáng trong giấc mơ (giả sử như bật và tắt công tắc đèn) và quan sát hình ảnh phản chiếu của mình trong gương đôi khi sẽ giúp một người đang mơ biết mình đang mơ. Lý do là vì trong trạng thái mơ, những hành động này không hoạt động theo cách chúng hoạt động trong cuộc sống thực.

Việc tài trợ cho các nghiên cứu giấc mơ sáng suốt hiện cũng rất hạn chế, bởi có một rào cản về mặt chi phí. Hầu hết các tổ chức không coi việc chi 500 USD mỗi giờ cho một tình nguyện viên nằm trong máy chụp cộng hưởng từ fMRI là khoản đầu tư đáng giá. Những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lucid dream như Baird và Dresler chỉ được khuyến khích bởi thực tế ngày càng có sự quan tâm nhiều hơn đến các nghiên cứu về giấc mơ nói chung.

Điều đó đặc biệt đúng sau khi các báo cáo vào năm 2020 (bao gồm một nghiên cứu về nội dung giấc mơ từ khắp nơi trên thế giới, được xuất bản trên tạp chí Frontiers of Psychology) cho rằng các đợt phong toả vì đại dịch đang khiến chúng ta trải nghiệm nhiều hiện tượng kỳ lạ với giấc mơ.

Một số người cũng đang có một mong muốn cao độ để tìm kiếm khả năng kiểm soát cuộc sống của họ nhiều hơn một chút, và điều đó bao gồm cả giấc mơ. Tôi chắc chắn sẽ đếm mình vào một trong số họ.

Tôi đã dùng giấc mơ Lucid để tập nói trước đám đông, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và gặp người bà đã mất của mình - Ảnh 10.

Nếu bạn muốn có giấc mơ sáng suốt, bạn có thể làm theo một số bài viết đã được Genk giới thiệu trước đây . Nó đều đã được rút ra từ các nghiên cứu về Lucid dream cụ thể kèm theo cả tỷ lệ % thành công. Hoặc đây là một gợi ý khác của Neel V.Patel, nhà báo khoa học của trang MIT Technology Review, tác giả bài viết trải nghiệm bạn vừa đọc:

1. Bắt đầu nhớ lại những giấc mơ của mình

Trước khi bạn có thể có một giấc mơ sáng suốt, bạn cần phải có ý thức hơn về những giấc mơ nói chung của mình. Viết nhật ký về giấc mơ và điền vào đó ngay khi bạn thức dậy. Viết ra chi tiết mọi điều bạn nhớ.

2. Đặt mục tiêu

Baird và những nhà nghiên cứu khác gợi ý rằng chánh niệm - tăng cường nhận thức về khoảnh khắc hiện tại - là chìa khóa để có được giấc mơ sáng suốt. Giữ mong muốn có một giấc mơ sáng suốt trong tâm trí bạn khi bạn đang trôi dạt trong giấc ngủ có thể sẽ hữu ích.

3. Kiểm tra thực tại

Bộ phim Inception phổ biến ý tưởng về "totem" để kiểm tra xem bạn có đang mơ hay không. LaBerge và những người khác đã phát hiện cách tiếp cận này có một số công dụng. Thực hiện một số kỹ thuật kiểm tra thực tại khi bạn thức, chẳng hạn như xem đèn có hoạt động hay không khi bạn bật hoặc tắt chúng và điều này sau đó cũng có thể trở thành một thói quen của bạn trong mơ.

4. Ngồi thiền

Đối với riêng bản thân tôi, những giấc mơ sáng suốt đầu tiên đã bắt đầu khi tôi tập thói quen ngồi thiền vài phút mỗi ngày, năm tôi 15 tuổi. Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan giữa thiền và giấc mơ sáng suốt, mặc dù vẫn chưa rõ mối liên hệ đó có thể là gì.

5. Hãy cởi mở để trải nghiệm

Một đặc điểm chung của những người hay mơ sáng suốt là sự cởi mở để trải nghiệm. Đó có là một trong những thay đổi tốt nhất mà bạn có thể thực hiện, không liên quan đến việc ngủ mà là với chính cuộc sống hàng ngày của bạn. Hãy thử những điều mới; thúc đẩy bản thân tò mò hơn về môi trường của bạn. Sau đó, hãy xem liệu bạn có thể mang sự cởi mở đó vào trong giấc mơ của mình hay không.

Tham khảo Technologyreview

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại