“Do khối lượng công việc quá lớn nên tôi phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân” - chiều 31-10, ông Lưu Văn Bản, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương, hiện là bí thư Thị ủy Chí Linh, tỉnh Hải Dương, giải thích với Pháp Luật TP.HCM về việc ông đã ký nhiều quyết định bổ nhiệm khiến sở này có tới 43 lãnh đạo trên tổng số 45 biên chế (đến thời điểm hiện nay sở này có 44 lãnh đạo, hai nhân viên - PV).
Người dân rất tin chúng tôi
. Phóng viên: Trước khi rời khỏi vị trí giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ông đã bổ nhiệm tới 43 lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên. Lý do được đưa ra là nhu cầu công việc, số lượng công việc ở Sở LĐ-TB&XH quá lớn. Nhu cầu đó cụ thể như thế nào, thưa ông?
Tôi khẳng định trong thời gian làm giám đốc Sở, tôi đã tận tâm, tận lực vì dân, vì người có công với cách mạng, vì người nghèo, vì những người yếu thế của xã hội.
Nếu các bạn về thăm tỉnh Hải Dương, hỏi rằng chính sách đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh trong năm năm qua đã tốt chưa, tôi tin rằng họ sẽ trả lời là rất tốt! Người dân rất tin tưởng vào chúng tôi.
. Ông cho rằng bản thân ông và đội ngũ lãnh đạo của Sở đã làm rất tốt công việc an sinh xã hội.
Vậy ông giải thích thế nào khi có đơn tố cáo ông bổ nhiệm cán bộ vì tính chất riêng tư và tận dụng lúc gần chuyển công tác để ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, các hợp đồng lao động?
+ Không sao cả! Tôi cho rằng trong cuộc sống, mình cứ cố gắng làm được nhiều việc tốt. Trong quá trình làm những việc tốt ấy, mình còn có những thiếu sót là không tránh khỏi.
. Nhưng rõ ràng việc lùm xùm trên ảnh hưởng tới hoạt động của cả tỉnh...
+ Khi dư luận đặt vấn đề đó, tôi không có ở nhà (ông Bản vừa đi công tác châu Âu - PV). Khi về nước, tôi đã xin lỗi cán bộ của ngành thương binh - xã hội vì làm tổn thương đến họ.
Họ là những con ong chăm chỉ, cần cù miệt mài vì người dân mà bây giờ họ bị tổn thương, tôi rất đau lòng. Đó là lỗi lớn nhất của tôi. Còn bản thân tôi, ngày mai như thế nào cũng được, không quan trọng.
. Rõ ràng dư luận có lý do để thắc mắc, bởi một sở có quá nhiều lãnh đạo thì lấy nhân viên đâu làm việc...
+ Điều đó đúng. Tôi thừa nhận một sở có 45 công chức mà tới 43 người làm lãnh đạo là nhiều so với bình thường. Nếu chỉ xét ở góc độ đó thôi, tôi thấy mình có khuyết điểm chắc chắn.
Nhưng tôi không vì cá nhân, không vì vụ lợi... Khi làm việc đó, tôi vì cán bộ, vì nhân dân. Cán bộ được bổ nhiệm là những người trẻ, là những người mới ra trường, lương còn thấp.
Nhưng họ là những người nhiệt huyết, đam mê và muốn được cống hiến. Tôi làm như thế một phần là khích lệ, động viên họ.
Tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm
. Có trường hợp được bổ nhiệm nào là con ông cháu cha không, thưa ông?
+ Không có! Cán bộ ở đây đều được học hành cơ bản và quan trọng nhất là được đào tạo và luôn lăn xả với công việc.
Trong quá trình bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tôi cũng như nhiều người khác có thể có những thiếu sót. Tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm đó và không đổ lỗi cho ai cả.
. Ông có nghĩ rằng sau khi vụ việc được giải quyết rõ ràng, mọi người sẽ yên tâm làm việc hơn?
+ Không! Theo tôi biết thì nhiều cán bộ ở Sở LĐ-TB&XH đang rất nản. Trong số đó có người phải nghỉ việc, những người ở lại cũng rất hoang mang.
. Tôi thấy ở Hà Nội và TP.HCM, việc đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết chính sách và các vấn đề doanh nghiệp cũng rất nhiều và phức tạp nhưng họ không có nhiều cán bộ bằng Hải Dương. Ông nghĩ sao?
+ Tôi không so sánh vì tình hình đảm bảo an sinh xã hội ở mỗi nơi khác nhau. Tỉnh Hải Dương có đặc thù riêng.
Ví dụ, khi tôi về làm giám đốc, khâu giải quyết chính sách cho người có công còn tồn đọng trên 10.000 hồ sơ cho một loại đối tượng, trong khi tổng cộng có tới 12 loại đối tượng. 11 loại đối tượng còn lại thì chị tự nhân cấp số lên.
Có những trường hợp hai năm không được giải quyết, thiệt thòi về quyền lợi rất nhiều. Tôi rất đau lòng!
. Ông khẳng định là các cán bộ được bổ nhiệm làm rất tốt công việc chuyên môn?
+ Họ làm rất tốt việc giải quyết chính sách cho người có công, người nghèo và các chính sách liên quan bảo hiểm xã hội.
. Cám ơn ông.