Trong suốt hơn 1.000 năm qua, những người dân tộc người Bajau, sinh sống xung quanh các hòn đảo tại Indonesia, được coi là “vị thần biển cả” khi có thể thoải mái du ngoạn dưới lòng biển sâu mà không cần bất kỳ thiết bị trợ khí nào.
Cư dân nơi đây được ví như “người cá” khi có thể lặn sâu 70 m và nhịn thở dưới nước trong 13 phút.
Tất cả những gì người Bajau cần trong mỗi chuyến lặn chỉ đơn giản là một vật nặng buộc quanh eo và một cặp kính lặn bằng gỗ. Ảnh: Melissa Ilardo
Do không có cuộc thi lặn nên không thể biết chính xác người Bajau có thể nhịn thở tối đa trong bao lâu. Thời gian 13 phút là kỷ lục của một người đàn ông nơi đây. Ảnh: Melissa Ilardo
Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ người Bajau có thể làm được điều phi thường này là nhờ sở hữu lá lách lớn hơn 50% người bình thường. Lá lách có vai trò quyết định khả năng lặn dưới nước của mỗi người.
Khi con người lặn sâu dưới nước, nhịp tim sẽ chậm lại, lượng máu bị dồn nén và đưa đến những cơ quan thiết yếu, khi đó lá lách sẽ có nhiệm vụ bơm các tế bào hồng cầu và oxy, giúp cơ thể tuần hoàn.
Melissa Ilardo, một nhà khoa học công tác tại Đại học Cambridge, cho biết: “Không có nhiều thông tin về việc lá lách có tác động như thế nào đến việc lặn ở con người.
Nhưng tất cả chúng ta đều biết những con vật lặn sâu như hải cẩu Weddell sở hữu lá lách khá lớn. Tôi cho rằng điều tương tự cũng xảy ra đối với con người”.
Quyết tâm tìm hiểu về bộ tộc, Ilardo quyết định ở lại Jaya Bakti, Indonesia trong vài tháng. Trong khoảng thời gian này, cô lấy mẫu gen của một số cư dân và tiến hành siêu âm chúng. Kết quả cho thấy lá lách của người Bajau lớn bẩm sinh mà không phải do quá trình lặn tạo thành.
Phân tích ADN cũng cho thấy, cơ thể người Bajau có tồn tại gen PDE10A, không có ở người bình thường. Loại gen này được cho là làm thay đổi kích thước lá lách bằng cách điều chỉnh hormon tuyến giáp.
Nhà khoa học trẻ quyết tâm nghiên cứu về lá lách to bất thường ở người Bajau. Ảnh: Melissa Ilardo
Môi trường sinh sống của người gắn bó với sóng nước. Ảnh: Melissa Ilardo
Ilardo nói: “Chúng tôi tin rằng việc thích ứng với môi trường tự nhiên làm tăng hormone tuyến giáp ở người Bajau, sau đó khiến lá lách ‘phát tướng’.
Ở chuột, tuyến giáp và lá lách có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu như lượng hormone tuyến giáp T4 ở chuột suy giảm, lá lách của chúng cũng sẽ teo nhỏ và ngược lại”.
Nghiên cứu trên được kỳ vọng có thể giúp các nhà khoa học có thêm thông tin về tình trạng thiếu oxy cấp tính ở người - trạng thái mà các mô của cơ thể bị mất oxy nhanh chóng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến chứng trong cấp cứu khẩn cấp.