Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt VN, Campuchia vẫn đối mặt rủi ro khi phụ thuộc đồng USD và tiền TQ?

Hồng Anh |

Trong khi các nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan đang chật vật đối phó với suy thoái, thì nền kinh tế của Campuchia vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nền kinh tế của Campuchia có tốc độ tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á - khu vực được coi là động cơ của nền kinh tế toàn cầu - theo một bài viết mới đây của Nikkei Asian Review.

Nhiều người cho rằng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với các thành viên khác thuộc khối ASEAN, bởi từ khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc nổ ra, Việt Nam đã trở thành "nơi tránh bão" mới khi các nhà máy sản xuất tháo chạy khỏi Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế và chuyên gia lại đánh giá nền kinh tế của Campuchia có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, dù nước này kém phát triển hơn so với Việt Nam.

Dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về triển vọng phát triển kinh tế trong khu vực vừa được công bố hồi giữa tháng 10 vừa qua cho thấy tăng trưởng GDP của Campuchia sẽ tăng trưởng 7% trong cả năm 2019, trong khi mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,5%.

Thực tế, Campuchia đã giữ được vị thế là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực kể từ năm 2017. Bên cạnh IMF, các tổ chức khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đưa ra dự đoán tương tự về mức tăng trưởng 7% của kinh tế Campuchia sau năm 2019.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt VN, Campuchia vẫn đối mặt rủi ro khi phụ thuộc đồng USD và tiền TQ? - Ảnh 1.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen trả lời báo giới ngày 4/10. Ảnh: Reuters

Trong khi các nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan đang chật vật đối phó với suy thoái, thì nền kinh tế của Campuchia vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào 3 lí do sau đây, theo IMF:

Thứ nhất, giá trị xuất khẩu các mặt hàng may mặc và các sản phẩm khác của Campuchia được dự đoán sẽ tăng 12% trong năm 2019.

Thứ hai, mặc dù giá trị nhập khẩu được dự đoán sẽ tăng 16% và khiến các khoản thâm hụt vãng lai tăng lên 13% trong GDP của nước này, nhưng khoản thâm hụt đó sẽ được bù lại bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm đến 24% GDP của Campuchia.

Thứ ba, đó là Campuchia đã duy trì được tỉ lệ lạm phát tương đối thấp - 2,2% - dù giá dầu thô trên thế giới tăng. Campuchia phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu đối với mặt hàng này.

Tuy nhiên, nền kinh tế của Campuchia cũng gặp một trở ngại sau khi Liên minh Châu Âu tước quyền tham gia sáng kiến thương mại "Mọi thứ trừ Vũ khí" (EBA) của nước này, sau khi Thủ tướng Hun Sen tái đắc cử hồi tháng 7/2018. Sáng kiến EBA miễn thuế cho mọi mặt hàng - trừ vũ khí - của các quốc gia nghèo trên thế giới khi nhập khẩu vào EU.

Nền kinh tế dựa vào đồng ngoại tệ

Mặc dù vậy, khác với những nền kinh tế mới nổi khác, Campuchia có thể giữ được tốc tộ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhờ việc xuất khẩu và đầu tư, cùng với đó là giá hàng hóa được duy trì bình ổn nhờ vào chính sách đô-la hóa nền kinh tế của nước này.

Đồng USD được chấp nhận ở gần như mọi nơi trên đất nước Campuchia, và đồng riel thường chỉ được sử dụng tại các cửa hàng địa phương, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ để làm tiền trả lại cho khách hàng. Trừ công chức nhà nước, những người lao động khác đều được trả công bằng đồng bạc xanh.

Hơn nữa, đồng USD được cho là chiếm khoảng 80% số tiền lưu hành trong nước, và chiếm hơn 90% số tiền gửi trong ngân hàng.

Việc sử dụng loại tiền dự trữ chính trên toàn cầu đã mang lại cho Campuchia nhiều lợi ích đáng kể. Ví dụ, các giao dịch kinh doanh có thể tránh được rủi ro ngoại hối khi chuyển sang dùng đồng USD.

Dù Campuchia có hệ thống tỉ giá thả nổi đối với đồng riel, nhưng tỉ giá so với đồng USD luôn được chốt ở mức 4.000 riel/USD do số lượng tiền được lưu hành có hạn, do đó mức lạm phát cũng được giảm thiểu tối đa.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt VN, Campuchia vẫn đối mặt rủi ro khi phụ thuộc đồng USD và tiền TQ? - Ảnh 3.

Bảo tàng kinh tế và tiền tệ của Campuchia đã được mở ra nhằm khích lệ việc sử dụng đồng riel. Ảnh: Photo by Toru Takahashi

Trong khi đó, nền kinh tế của Campuchia cũng được "chống đỡ" bằng các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Năm 2018, Campuchia nhận được tổng cộng 4,6 tỉ USD vốn FDI, và có đến 75% trong số đó đến từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã nhấn mạnh rằng Campuchia có vai trò chìa khóa trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình.

Thực tế là mối quan hệ của Campuchia và Trung Quốc cũng được thắt chặt hơn do Campuchia thuộc khu vực kinh tế dựa vào đồng USD.

"Trung Quốc đang rót tiền vào Campuchia để thu được các tài sản định giá bằng đồng USD, bất kể lợi nhuận là bao nhiêu", ông Hiroshi Suzuki, một nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Kinh doanh Campuchia, có trụ sở tại Phnom Penh.

Khi chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng được đẩy mạnh, Campuchia lại càng thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản và các tài sản khác được định giá bằng USD để tránh sự giám sát của chính quyền Bắc Kinh.

Nỗ lực giảm phụ thuộc

Tuy vậy, Campuchia cũng đã và đang cố gắng giảm phụ thuộc vào đồng ngoại tệ trong phát triển kinh tế, bởi họ nhận thức được những rủi ro của chính sách này. 3 năm trước, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã yêu cầu các tổ chức tài chính trong nước phải duy trì ít nhất 10% dư nợ bằng đồng riel vào cuối năm 2019.

Với yêu cầu trên, NBC đã đặt mục tiêu tự quản lý chính sách tiền tệ. Dưới nền kinh tế dựa vào đồng USD, ngân hàng này không thể điều phối nguồn tiền và số lượng tiền chảy vào trong nước, khiến họ thiếu đi những biện pháp kiểm soát các hoạt động kinh tế thông qua nguồn tiền và lãi suất. Hơn nữa, khi một tổ chức kinh tế bị đẩy đến bờ vực phá sản, NBC cũng không có cách nào cho họ vay tiền.

Hiện nay, tốc độ lưu thông đồng riel vẫn khá chậm bởi công chúng chưa đặt nhiều tín nhiệm vào đồng tiền quốc gia. Trước tình hình này, chính phủ Campuchia đã mở cửa một bảo tàng về kinh tế và tiền tệ để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đồng riel và khích lệ người dân sử dụng đồng tiền này.

Campuchia đã hy vọng giảm phụ thuộc vào ngoại tệ và phát triển nền kinh tế dựa trên đồng tiền của chính họ trong nhiều thế kỷ; tuy nhiên nếu quá vội vàng hạn chế đồng USD và ngoại tệ, thì kinh tế Campuchia sẽ "chịu trận" khi mất vốn đầu tư và đồng riel có thể còn mất giá không phanh.

"Chúng ta cần thời gian, vì việc chuyển đổi nhanh chóng sang nền kinh tế dựa trên đồng riel là chuyện bất khả thi", Thủ tướng Hun Sen phát biểu tại lễ khai trương bảo tàng kinh tế và tiền tệ của nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại