Các bể chứa nước thải chưa qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ trận sóng thần năm 2011 làm hư hại nghiêm trọng nhà máy Fukushima, hơn một triệu tấn nước thải qua xử lý đã tích tụ ở đó.
Nhật Bản muốn xả số nước thải này ra Thái Bình Dương. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong tuyên bố ngày 4/7 nêu rõ kết quả đánh giá mà cơ quan này tiến hành trong 2 năm qua cho thấy kế hoạch nói trên của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn.
Mặc dù vậy, kể từ khi được công bố cách đây hai năm, kế hoạch này đã gây tranh cãi ở Nhật Bản. Các nhóm công nghiệp hải sản và đánh bắt cá ở Nhật Bản bày tỏ lo ngại về sinh kế của họ bởi người tiêu dùng có thể tránh mua hải sản.
Các nước láng giềng Nhật Bản cũng không hài lòng. Trung Quốc là bên lên tiếng mạnh mẽ nhất. Vào ngày 4/7, Trung Quốc chỉ trích báo cáo của IAEA cho rằng kết luận đó là "một chiều".
Kế hoạch của Nhật Bản
Kể từ sau thảm họa kép động đất kèm sóng thần năm 2011, công ty điện lực Tokyo (Tepco), cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hỏng, đã bơm nước vào để làm mát các thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân. Nước sau đó được xử lý và tích trữ trong bể chứa.
Hơn 1.000 bể chứa đã được lấp đầy và Nhật Bản cho biết đây không phải là giải pháp lâu dài bền vững. Nhật Bản này muốn dần dần xả lượng nước đã qua xử lý này ra Thái Bình Dương trong vòng 30 năm tới đồng thời khẳng định nước được xả ra là an toàn.
Xả nước thải đã qua xử lý vào đại dương là một hoạt động thông thường đối với các nhà máy hạt nhân. Tuy nhiên, đây là sản phẩm phụ của một sự cố nên không phải là chất thải hạt nhân thông thường.
Tepco lọc nước ở Fukushima thông qua Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), giúp giảm hầu hết các chất phóng xạ đạt đến tiêu chuẩn an toàn có thể chấp nhận được, ngoại trừ tritium và carbon-14. Tritium và carbon-14 lần lượt là các dạng phóng xạ của hydro, carbon và rất khó tách khỏi nước.
Chúng hiện diện rộng rãi trong môi trường tự nhiên, nước và cả trong cơ thể con người bởi được hình thành trong bầu khí quyển của Trái Đất và có thể đi vào vòng tuần hoàn nước. Cả hai đều phát ra mức độ phóng xạ rất thấp nhưng có thể gây rủi ro nếu tiêu thụ với số lượng lớn.
Hải sản đánh bắt từ bờ biển Fukushima được bày bán tại chợ cá ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Nước được lọc sẽ trải qua một quá trình xử lý khác, sau đó được pha loãng với nước biển để giảm nồng độ của các chất còn lại trước khi thải ra đại dương. Tepco cho biết hệ thống van của họ sẽ đảm bảo không có nước thải chưa pha loãng nào vô tình thoát ra ngoài.
Chính phủ Nhật Bản cho biết mức tritium cuối cùng - khoảng 1.500 becquerel/lít - an toàn hơn nhiều so với mức mà các cơ quan quản lý yêu cầu đối với việc xả chất thải hạt nhân hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đối với nước uống.
Bên cạnh đó, Tepco cho biết mức carbon-14 cũng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn. Tepco và chính phủ Nhật Bản đã tiến hành các nghiên cứu để chỉ ra rằng nước xả ra sẽ ít gây rủi ro cho con người và sinh vật biển.
Nhiều nhà khoa học cũng đã ủng hộ kế hoạch này. "Nước được xả ra sẽ là một giọt nước trong đại dương, cả về thể tích và độ phóng xạ. Không có bằng chứng nào cho thấy hàm lượng đồng vị phóng xạ cực thấp này tác động xấu đến sức khỏe", chuyên gia Gerry Thomas, người đã làm việc với các nhà khoa học Nhật Bản và tư vấn cho IAEA về các báo cáo của Fukushima, nhận định.
Lập luận của phía phản đối
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở quận Fukushima, Nhật Bản ngày 4/7. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tổ chức Greenpeace đã công bố các báo cáo nghi ngờ về quy trình xử lý của Tepco, cáo buộc rằng nó chưa đủ để loại bỏ các chất phóng xạ.
Các ý kiến chỉ trích cho rằng Nhật Bản nên giữ nước đã qua xử lý trong các bể chứa trong thời điểm hiện tại. Họ cho rằng điều này kéo dài thời gian để phát triển các công nghệ xử lý mới để lượng phóng xạ còn lại giảm đi một cách tự nhiên. Một số nhà khoa học nhận định rằng cần nhiều nghiên cứu hơn về tác động của nó đối với đáy đại dương và sinh vật biển.
Quan điểm của các nước láng giềng?
Trung Quốc đã yêu cầu Nhật Bản đạt được thỏa thuận với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế trước khi xả nước thải đã qua xử lý ra biển. Bắc Kinh cảnh báo Tokyo nếu tiến hành kế hoạch thì "phải gánh chịu mọi hậu quả".
Tokyo đã đàm phán với các nước láng giềng và tổ chức để một đoàn chuyên gia Hàn Quốc đến thăm nhà máy Fukushima vào tháng 5. Hàn Quốc vào ngày 4/7 tuyên bố "tôn trọng" những phát hiện của IAEA.
Nhưng trong một cuộc thăm dò gần đây, 80% người dân Hàn Quốc được chỏi cho biết họ lo lắng về việc xả nước này. Quốc hội Hàn Quốc trong tuần trước đã thông qua một nghị quyết phản đối kế hoạch xả nước - mặc dù không rõ điều này sẽ có tác động gì đối với quyết định của Nhật Bản. Các quan chức Hàn Quốc cũng tiến hành "kiểm tra gắt gao" hải sản và tuân thủ lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Nhật Bản từ các khu vực xung quanh nhà máy Fukushima.
Để xoa dịu nỗi sợ hãi của công chúng, Thủ tướng Han Duck-soo cho biết ông sẵn sàng uống nước từ Fukushima để chứng minh rằng nó an toàn. Vào tuần trước, một quan chức Hàn Quốc cho biết chỉ một phần nhỏ nước thải sẽ đến vùng biển Hàn Quốc.
Phản ứng của Nhật Bản
Chính quyền Nhật Bản và Tepco đã tìm cách thuyết phục những người chỉ trích bằng cách giải thích khoa học quá trình xử lý và họ sẽ tiếp tục làm như vậy với "mức độ minh bạch cao” theo lời của Thủ tướng Fumio Kishida ngày 4/7.
Trong các tài liệu được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nước này cũng chỉ ra rằng các nhà máy hạt nhân khác trong khu vực - đặc biệt là ở Trung Quốc - thải ra nước có hàm lượng tritium cao hơn nhiều.
Theo một số báo cáo, với việc IAEA gật đầu, Nhật Bản có thể bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào đầu tháng 8.