Sạt lở ở Lâm Đồng khiến nhiều người thiệt mạng
Khoảng 15h ngày 30/7, 3 Cảnh sát giao thông và 1 người dân đã bị hàng ngàn khối đất đá vùi lấp tại khu vực đèo Bảo Lộc , đoạn qua huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng. Tuyến đèo này cũng bị chia cắt hoàn toàn.
Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc sáng 31/7 vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN
Cả trăm nhân viên cứu hộ cùng hàng chục máy xúc, máy ủi hạng nặng được điều động khẩn trương bới đất tìm người. Mưa nhiều gây khó khăn cho công tác cứu nạn.
Tối cùng ngày, thi thể 3 cán bộ chiến sĩ đã được tìm thấy. Trưa 31/7, nạn nhân còn lại trong vụ sạt lở đất cũng được đưa ra khỏi hiện trường.
Tuy nhiên, đây không phải vụ sạt lở đất nghiêm trọng đầu tiên trong mùa mưa năm nay. Tại thành phố Đà Lạt, đến nay đã ghi nhận 13 vụ, đáng chú ý là vụ sạt lở tại tại phường 10, thành phố Đà Lạt rạng sáng 29/6 cướp đi sinh mạng của 2 người, khiến 5 người khác bị thương.
Trước đó, ngày 17/6, tại xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, hàng chục tấn đất đá sạt lở vùi lấp 2 người, trong đó 1 người tử vong, 1 người bị thương.
Tính từ giữa tháng 6 tới nay, tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm nóng về sạt lở ở khu vực Tây Nguyên khi ghi nhận 17 vụ sạt lở, 13 người thương vong.
Theo thống kê của Cục quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cùng kỳ 5 năm trở lại đây, chưa năm nào Lâm Đồng lại ghi nhận số vụ sạt lở đất nhiều như năm nay.
Nguyên nhân sạt lở đất liên tiếp tại Lâm Đồng
Tại sao Lâm Đồng lại ngày càng sạt lở nhiều như vậy? Mưa nhiều hơn mọi năm là một trong những nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ sạt lở ở Lâm Đồng.
Tại Bảo Lộc, tổng lượng mưa 2 tháng qua đều lớn hơn trung bình của các năm trước. Đặc biệt trong tháng 6, lượng mưa còn nhiều gấp đôi so với thông thường. Thời gian mưa cũng kéo dài hơn mọi năm, liên tục gần như cả tháng. Còn ở thành phố Đà Lạt, hầu như ngày nào cũng có mưa, vì thế mà tổng lượng mưa của cả tháng 6 và tháng 7 cũng cao hơn gấp đôi so với trung bình của các năm trước.
Theo Viện Địa chất - Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên nhân thứ 2 xuất phát từ nền địa chất yếu của Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Vì khu vực này là nơi chuyển tiếp giữa đồi núi và đồng bằng nên nền địa chất cũng không ổn định.
Lớp đất đỏ bazan trên bề mặt cũng mềm yếu và tơi xốp, lại thêm khoảng vật sét rất dễ ngậm nước mưa, sẽ tạo ra áp lực lớn lên các sườn đồi dốc. Vì khi gặp nước mưa, thể tích của lớp đất bazan có thể tăng gấp 20 đến 40 lần. Đây là yếu tố thúc đẩy quá trình sạt trượt nhanh hơn, bất ngờ hơn.
Nhất là ở những nơi có độ dốc lớn như vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc, theo các chuyên gia địa chất ước tính độ dốc ở đây có thể lên tới 60-70 độ. Vị trí xảy ra sạt trượt còn đang trồng sầu riêng, tức là lớp che phủ của rừng bên trên đã bị mất. Mật độ cây khá thưa thớt nên khi nước mưa rơi xuống sẽ ngấm thẳng vào đất, chứ không được che chắn như ở khu vực rừng hai bên.
Cộng hưởng tất cả các nguyên nhân từ mưa lớn, địa chất yếu, sự thay đổi trên bề mặt do hoạt động của con người, đã gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng ở Bảo Lộc.
Mối lo ngại về sạt lở vẫn sẽ thường trực ở các sườn đồi của Lâm Đông cũng như khu vực Tây Nguyên, nhất là trong tháng 8 này. Vì dự báo tháng 8 vẫn là cao điểm của mùa mưa với 2 đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng.
Đợt đầu tiên kéo dài suốt từ cuối tháng 7 và sẽ tiếp diễn trong cả 3 ngày tới. Dự báo lượng mưa mỗi ngày phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 80mm.
Còn đợt mưa lớn thứ 2 trong tháng 8 ở Tây Nguyên sẽ rơi vào 10 ngày cuối tháng, nâng tổng lượng mưa cả sẽ nhiều hơn trung bình nhiều năm khoảng 15% - 25%. Cộng thêm lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm đã đổ xuống liên tục trong 2 tháng trước đó, (tháng 6,7) thì cả 5 tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đều đang có nguy cơ trượt lở đất cao đến rất cao
Phương án phòng tránh sạt lở đất
Trước những dự báo mưa lớn như vậy, có thể thấy, sạt lở vẫn là một trong những mối nguy hiểm trong tháng 8 này với người dân ở Lâm Đông cũng như Tây Nguyên.
Trước tình hình sạt lở và dự báo mưa lớn như vậy, ngày 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh:
- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh mục đích sử dụng rừng đối với những vị trí điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn Tân Phú - Bảo Lộc.
- Phải xây dựng kịch bản ứng phó với sạt lở, ngập lụt nếu có tình huống tương tự.
- Thuê chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn khảo sát, xây dựng bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, để có quy hoạch, cấp phép xây dựng phù hợp theo.
- Xử lý trách nhiệm theo đúng quy định và tạm đình chỉ người đứng đầu địa phương, cơ quan nào nếu để xảy ra sạt lở đất do chủ quan hoặc không thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, gây ra thiệt hại về người và tài sản.