Toàn cảnh tiền gửi CASA tại 28 ngân hàng 6 tháng đầu năm

Minh Vy |

Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất có sự xuất hiện của một ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, một số ngân hàng tư nhân lớn lại đáng đứng top dưới của bảng xếp hạng, gần như thấp nhất.

Toàn cảnh tiền gửi CASA tại 28 ngân hàng 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sụt giảm mạnh trong quý 1/2023 và bắt đầu có sự phục hồi trong quý 2. Tuy nhiên, sự phục hồi quý 2 vẫn chưa đủ bù đắp diễn biến tiêu cực trong quý 1, do đó hầu hết tại các ngân hàng, tỷ lệ CASA tại ngày 30/6/2023 đều thấp hơn so với hồi đầu năm.

Tại ngày 30/6/2023, Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất lần lượt là MB, Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB, VietinBank, BIDV, Sacombank, TPBank và PGBank.

Cụ thể, MB dẫn đầu với tỷ lệ CASA đạt 37,01% và đây là quý thứ 3 liên tiếp ngân hàng giữ được vị trí quán quân về tỷ lệ này. So với hồi đầu năm, tỷ lệ CASA của MB thấp hơn khoảng 3,6 điểm %.

Techcombank đứng thứ 2 toàn ngành với tỷ lệ CASA đạt gần 35%. Mặc dù tỷ lệ này còn rất xa mới trở lại được mức kỷ lục 50% mà Techcombank từng đạt được, nhưng CASA của ngân hàng này đã có sự phục hồi đáng kể trong quý 2 vừa qua, là một trong những ngân hàng có sự cải thiện mạnh mẽ nhất. So với cuối quý 1, tỷ lệ CASA của Techcombank đã tăng 2,9 điểm %.

Theo lãnh đạo Techcombank, dự báo tỷ lệ này sẽ được hồi phục trong những quý tiếp theo khi lãi suất huy động bắt đầu giảm xuống, khiến người tiêu dùng không còn gửi tiết kiệm nhiều như trước mà chuyển sang tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Nếu thuận lợi, CASA của Techcombank có thể trở lại mốc 40%. Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc rất lớn vào các biến chuyển của thị trường.

Tỷ lệ CASA của Vietcombank không có nhiều thay đổi so với cuối quý 1. Ngân hàng tiếp tục đứng thứ 3 toàn ngành về tỷ lệ này, đạt 30,2%. Đáng chú ý, trong giai đoạn nhiều biến động vừa qua, kể cả thời điểm căng thẳng thanh khoản cuối năm 2022, CASA của Vietcombank cũng không sụt giảm mạnh như các ngân hàng tư nhân. Xét về số dư tiền gửi không kỳ hạn, Vietcombank vẫn là số 1 thị trường, đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng.

MSB là ngân hàng tầm trung duy nhất lọt vào Top 5 về CASA. Tỷ lệ này của MSB đạt 24,2% vào cuối quý 2/2023, giảm 5,9 điểm % so với hồi đầu năm. Sự sụt giảm mạnh trong thời gian qua đã kéo MSB xuống thấp hơn khá nhiều so với Vietcombank, trong khi trước đây có thời điểm MSB vươn lên đứng thứ 3 về CASA, nhỉnh hơn một chút so với Vietcombank.

Tuy sụt giảm 1,4% so với hồi đầu năm nhưng ACB vẫn duy trì tỷ lệ CASA trên 20%, đứng thứ 5 trong hệ thống. Ngân hàng là một trong những nhà băng có tỷ lệ huy động bán lẻ cao nhất hiện nay, tức chủ yếu là tiền gửi của cá nhân, chiếm đến 82%.

VietinBank, BIDV, Sacombank lần lượt đứng thứ 6 – 7 – 8 trong hệ thống về tỷ lệ CASA. Tương tự như Vietcombank, tỷ lệ CASA của VietinBank và BIDV khá ổn định trong 1 năm qua dù thị trường ghi nhận những biến động mạnh.

Lý do không chỉ đến từ uy tín thương hiệu mạnh mà còn do việc các nhà băng này mạnh tay chi tiền cho công nghệ, chẳng hạn như VietinBank liên tục cập nhật ứng dụng ngân hàng số VietinBank iPay (khách hàng cá nhân) và VietinBank eFAST (khách hàng doanh nghiệp) để nâng cao trải nghiệm người dùng. Thêm vào đó, việc chính thức miễn phí chuyển tiền từ năm 2022 đã giúp những ngân hàng này có vị thế cạnh tranh tốt hơn.

Hai ngân hàng tiếp theo trong Top 10 là TPBank (16,4%) và PGBank (15,7%). Tuy là ngân hàng nhỏ nhưng nhờ việc tiên phong chuyển đổi số, ngân hàng này đã thu hút được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn trong những năm qua, giúp tỷ lệ CASA lọt vào Top 10.

Trong khi đó tại PGBank, tiền gửi không kỳ hạn có sự đóng góp lớn đến từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – từng là cổ đông lớn của ngân hàng này. Theo báo cáo tài chính, tuy rút hàng trăm tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại PGBank nhưng Petrolimex và các công ty con vẫn để hơn 1.100 tỷ đồng tiền gửi thanh toán tại ngân hàng, chiếm đến 1/4 số dư tiền gửi không kỳ hạn tại PGBank.

Nhìn chung, tỷ lệ CASA hiện nay có sự phân hóa rất lớn giữa các ngân hàng. Những ngân hàng nhỏ như VietABank, Kienlongbank, BacABank, NamABank đều có tỷ lệ CASA dưới 5%. Hay những ngân hàng tư nhân lớn như SHB và LPBank, tiền gửi có kỳ hạn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn, trong khi CASA chỉ đạt quanh mức 7%.

Trong những năm qua, nhiều ngân hàng xác định tăng tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trọng trong hoạt động kinh doanh. Nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường. Bởi CASA càng cao thì chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, giúp ngân hàng có lợi thế cạnh tranh với đối thủ.

Tuy nhiên, việc nâng CASA gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, thậm chí là bị giảm mạnh do lãi suất huy động tăng cao từ cuối năm 2022. Điều này đã gây áp lực đáng kể tới biên lợi nhuận của các ngân hàng, cũng đã được phản ánh vào nửa đầu năm nay, với lợi nhuận tăng trưởng chậm lại rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước. Do đó, họ đang tích cực có nhiều biện pháp để thu hút nguồn vốn rẻ này trở lại.

Toàn cảnh tiền gửi CASA tại 28 ngân hàng 6 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại