Toàn cảnh khu rừng thông hơn 750 ha bị sâu róm tàn phá xác xơ ở Nghệ An

Ngọc Tú |

Sau gần 1 tháng bị sâu róm tấn công, hơn 750 ha rừng thông ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã bị trụi lá, xác xơ.

Video toàn cảnh hơn 750ha rừng thông ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bị sâu róm tàn phá xác xơ, trụi lá.

Từ ngày 20/7/2024, nhiều khu rừng thông tại một số xã của huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bất ngờ bị nạn sâu róm tấn công, cắn phá. Trong đó, nhiều nhất tại các xã Nghi Yên, Nghi Quang, Nghi Xá, Nghi Tiến... (huyện Nghi Lộc).

Theo báo cáo của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc (Nghệ An), có hơn 750ha rừng đã bị sâu róm tấn công, ăn lá. Trong đó, khu vực rừng bị sâu róm tấn công nặng nề nhất là khoảng 300ha tại các tiểu khu rừng thông của các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xá với mật độ khoảng 350-400 con sâu/1 cây thông. Nhiều khu rừng đã bị sâu ăn trụi lá.

Có khoảng 450ha diện tích rừng bị nhiễm sâu róm mức độ trung bình với mật độ sâu khoảng 150-200 con/1 cây thông tại các khu vực rừng của các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang (huyện Nghi Lộc).

Ghi nhận của phóng viên, tại xã Nghi Quang (Nghi Lộc), một diện tích rừng thông lớn đã bị sâu ăn trụi, lá vàng rụng xác xơ.

Lá cây thông bị sâu ăn rụng, vàng khô trên các cành cây.

Tại các điểm lá thông bám lại, sâu sẽ đóng kén và phát triển thành bướm để thành một quy trình sinh trưởng sâu mới.

Những con sâu róm "khủng" bám vào thân cây thông rồi ăn trụi lá, gây nguy hại cho cây.

Dưới các gốc cây thông là hàng loạt con sâu róm bò lổm nhổm. Theo thống kê, khu vực sâu ăn nhiều nhất có đến 400 con sâu trên 1 cây thông.

Những cây thông cao lớn nhiều năm tuổi cũng bị sâu róm ăn trụi lá.

Sâu róm đang tiếp tục tấn công và lan rộng ra những cây xanh xung quanh.

Nhiều cây thông nhỏ đã bị chết, tróc vỏ thân cây.

Ông Trần Văn Trường - Phó Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, nguyên nhân xuất hiện dịch sâu róm là do thời gian vừa qua thời tiết trên địa bàn huyện này xuất hiện nhiều sương mù, nắng mưa đan xen, độ ẩm cao tạo điều kiện lý tưởng cho sâu sinh trưởng nhanh, mạnh.

Sau khi phát hiện sâu róm tấn công cây thông trên địa bàn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ đã tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu VBT. Đến nay, đơn vị này đã phun thuốc được hơn 142ha rừng thông.

"Hiện sâu đã bắt đầu đóng kén chuẩn bị vòng đời mới nên chúng tôi tạm dừng không phun thuốc. Thay vào đó, đơn vị đang chuẩn bị đèn và các vật dụng làm các điểm đèn để bẫy bắt sâu trưởng thành nở ra bướm”, ông Trần Văn Trường - Phó Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc (Nghệ An) nói.

Hiện Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc đang theo dõi sát tình hình diễn biến của sâu róm và dự kiến tuần tới sẽ triển khai công tác bắt bướm, diệt trừ nạn sâu róm hoành hành rừng thông trên địa bàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại